Bình Định

Vùng đất Bình Định trải dài trên 110 km theo hướng Bắc - Nam, có chiều ngang với độ hẹp trung bình là 55 km (chỗ hẹp nhất 50 km, chỗ rộng nhất 60 km)

· Địa hình của tỉnh Bình Định có thể chia làm 4 vùng:

*** Vùng núi phía tây bắc và phía tây: đại bộ phận sườn dốc hơn 20°. Địa hình khu vực này phân cắt mạnh, sông suối có độ dốc lớn, là nơi phát nguồn của các sông trong tỉnh. Các dãy núi chạy theo hướng Bắc - Nam, có sườn dốc đứng. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Đặc tính này đã làm cho địa hình ven biển trở thành một hệ thống các dãy núi thấp xen lẫn với các cồn cát và đầm phá.

*** Vùng đồi tiếp giáp giữa miền núi phía tây và đồng bằng phía đông,

*** Vùng đồng bằng gồm các đồng bằng nhỏ được tạo thành do các yếu tố địa hình và khí hậu, các đồng bằng này thường nằm trên lưu vực của các con sông hoặc ven biển và được ngăn cách với biển bởi các đầm phá, các đồi cát hay các dãy núi, có độ cao trung bình 25-50 m. Đồng bằng lớn nhất của tỉnh là đồng bằng thuộc hạ lưu sông Kôn, còn lại là các đồng bằng nhỏ thường phân bố dọc theo các nhánh sông hay dọc theo các chân núi và ven biển.

*** Vùng ven biển: bao gồm các cồn cát, đụn cát tạo thành một dãy hẹp chạy dọc ven biển với chiều rộng trung bình khoảng 2 km, hình dạng và quy mô biến đổi theo thời gian.

· Sông ngòi: trong tỉnh có bốn con sông lớn là Côn, Lại Giang, La Tinh và Hà Thanh cùng các sông nhỏ như Châu Trúc hay Tam Quan. Ngoài các sông đáng kể nói trên còn lại là hệ thống các suối nhỏ chằng chịt thường chỉ có nước chảy về mùa lũ và mạng lưới các sông suối ở miền núi tạo điều kiện cho phát triển thủy lợi và thủy điện. Đặc biệt đầm Thị Nại là đầm lớn rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển tầm cỡ quốc gia và góp phần phát triển khu kinh tế Nhơn Hội, đầm còn được biết đến với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay.

·Khí hậu: có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa.

Nhiệt độ không khí trung bình năm: ở khu vực miền núi biến đổi 20,1 - 26,1°C, cao nhất là 31,7°C và thấp nhất là 16,5°C. Tại vùng duyên hải, nhiệt độ không khí trung bình năm là 27,0°C, cao nhất 39,9°C và thấp nhất 15,8°C. 

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Riêng đối với khu vực miền núi có thêm một mùa mưa phụ tháng 5 - 8 do ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên. Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8.

·Dân số: theo điều tra dân số năm 2011 là 1.497.300 người phân bố trên diện tích 6050,6 km2. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc khác nhưng chủ yếu là Chăm, Ba Na và Hrê, bao gồm khoảng 25.000 người.                       

THẮNG CẢNH VÀ DI TÍCH

Bình Định là  vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể. Đã từng là cố đô của vương quốc Champa xưa, trên đất Bình Định còn tồn tại 7 cụm tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Bình Định cũng là nơi phát tích của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung.

Du khách đến Bình Định còn có thể xem màn biểu diễn võ thuật điêu luyện và biểu diễn trống trận với 12 trống. Bình Định còn sở hữu 1 bờ biển dài với vô số các bãi tắm đẹp, thích hợp cho du lịch biển.

  • Bảo tàng Quang Trung cách thành phố Quy Nhơn 50 km về phía Tây Bắc, thuộc làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Bảo tàng được xây dựng năm 1978 theo lối kiến trúc cổ, có 9 phòng trưng bày với những di vật quan trọng liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm trong quần thể Bảo tàng Quang Trung là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và các danh tướng thời Tây Sơn. Điện được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn do nhân dân góp công xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960. Tại khu di tích này còn có 2 di tích quý giá là cây me cổ thụ, giếng nước. Hai di tích này có từ thời thân sinh của anh em nhà Tây Sơn là ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng, là những di sản vô giá gắn liền với thời thơ ấu của 3 anh em nhà Tây Sơn.

  •      Các cụm di tích tháp Chăm: Bình Định từng là kinh đô của Vương Quốc Champa từ thế kỉ 10 đến thế kỉ 16 và thời vàng son đó còn lưu lại đến ngày nay những di sản vô giá với dấu tích thành quách và những tháp rêu phong vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian bằng chính những giá trị đích thực của chúng:

*** Tháp Đôi (còn được gọi là Hưng Thạnh) được xây dựng vào cuối tk12, nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo gồm 2 tháp (tháp chính cao 20m, tháp phụ cao khoảng 18m.

Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Champa. Cả 2 ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chăm mà là một cấu trúc gồm 2 phần chính: khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda, hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ mái tháp. Vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên.

*** Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc): được xây dựng vào cuối tk11, đầu tk12 tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành, bên cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít, mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt, mỗi sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Shiva làm bằng đá. Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.

*** Tháp Dương Long (hay còn gọi là Tháp Ngà): ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km, được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn hóa nghệ thuật Chăm, là một quần thể gồm 3 tháp Chàm (tháp giữa cao 24m, hai tháp 2 bên cao 22m). Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kỳ bí.

♦   Biển Kỳ Co 

Kỳ Co nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 20 km về phía đông nam. Đây được coi là một địa điểm du lịch lý thú nhất tại Quy Nhơn với 2 mặt giáp núi và một mặt giáp biển. 

Tới đây bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ, thiên nhiên hòa hợp. Đứng từ xa bạn sẽ nhìn thấy cảnh núi non hùng vĩ, những tầng cây xanh rợp bóng mát, không khí thoáng đãng, gió tạt mạnh vào người mang theo hơi mặn chát đặc trưng của biển. Kỳ co có hướng vòng cung như vầng trăng khuyết của những ngày thường nhật.

♦   Bãi tắm Hoàng Hậu hay còn gọi là Bãi Trứng (ngày trước mỗi lần ghé Quy Nhơn, Nam Phương hoàng hậu đều đến đây tắm biển) nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng (rộng 35 ha) cách thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Đông - Nam. Bãi tắm này ghi dấu với du khách bằng vẻ đẹp của cung đường biển uốn lượn, cát trắng, biển xanh và vô số những tảng đá tròn trịa trên bờ. Ngoài tắm biển, đến đây, bạn có thể tham quan vẻ đẹp của Ghềnh Ráng, quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng thành hang, thành rạng, ghé mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, hay xuôi ra đảo có tên là Hòn Đất Bi khám phá những hang động kỳ thú.

 ♦   Thắng cảnh Hầm Hô cách thành phố Qui Nhơn 55 km về hướng Bắc thuộc địa phận thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú huyện Tây Sơn.

Hầm hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài gần tới 3 km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng.  Đá chất chồng, xếp thành nhiều tầng, nhiều lớp mà ngắm nhìn thì như đứng trước một tác phẩm điêu khắc hoành tráng.

Cảnh đẹp đích thực của Hầm Hô khiến cho du khách viếng thăm phải sửng sốt nằm ở dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới 30 m, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng. Vào mùa thu nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên muôn màu, lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương hình dáng khác nhau. Du khách cũng có thể đi thuyến ngược dòng sông để ngắm cảnh.

 ♦   Đầm Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định ở phía Đông Bắc Quy Nhơn chạy dài hơn 10 km, bề rộng tới gần 4 km với nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng tươi ngon bổ dưỡng. Trong đầm, ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ - trên đó có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần - hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy Bói (do chim bói cá thường tụ tập trên các khối đá nên có tên như vậy), làm cho cảnh quan đầm thêm sinh động và hấp dẫn. Nằm về phía Đông đầm Thị Nại, như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn là bán đảo Phương Mai, với hệ thống núi đá trùng điệp ăn ra biển chạy dài khoảng 15 km trông như đầu một con rồng. Đầm Thị Nại và bán đảo Phương Mai từng là vị trí phòng thủ chiến lược quân sự quan trọng, là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn và thêm vào đó vẻ đẹp của thiên nhiên mà nổi bật lên là cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội dài trên 7km vượt đầm Thị Nại, nối liền bán đảo Phương Mai với thành phố Quy Nhơn, là đểm đến hấp dẫn du khách.

♦   Đảo Hòn Khô: nằm cách Quy Nhơn khoảng 6 km, như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Trong những mùa biển động, Hòn Khô đón những con sóng tung bọt trắng xóa. Mùa biển yên, Hòn Khô đón du khách với bãi cát dài trắng mịn, với những rạn san hô sặc sỡ, với những bãi cỏ xanh và lạch nước ngọt nứt từ vách đá. Đến với Hòn Khô, du khách sẽ được thăm làng chài Nhơn Hải, lặn ngắm san hô và thưởng thức những món tươi ngon miền biển với ly rượu Bàu Đá cay nồng.

♦   Cù lao Xanh: cách đất liền khoảng 24 km, du khách phải mất khoảng 50 phút đi bằng tàu thủy cao tốc xuất phát từ cảng cá Quy Nhơn ra đến đảo Cù Lao Xanh. Cù Lao Xanh là một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông, được bảo phủ bởi một màu xanh của cây, hòa quyện với màu xanh của nước biển.Thiên nhiên, nơi đây còn khá hoang sơ với những dãy núi uốn quanh xanh ngút ngàn, những tảng đá tự nhiên chồng lên nhau rất đẹp mắt. Những rạn san hô, bãi đá ngầm. Đặc biệt, đến đảo du khách không thể quên ghé thăm ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng năm 1890 vẫn luôn sáng đèn giúp việc định vị của tàu thuyền đánh bắt trên biển.

♦   Đàn tế trời đất tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Đàn tế trời tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng, tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng  Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là một bức bình phong bằng đá, ba hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn  bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ. Ngoài ra còn có nhà Tiền tế, Phương đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và  Dương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn. Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh  em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH