Miền Nam
Hành trình khám phá 3 ngày 2 đêm tại Côn Đảo
Vùng đất Côn Đảo lịch sử và oai hùng, đó là một trang sử vừa bi tráng vừa tự hào của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Côn Đảo ngày nay đã chuyển mình và trở thành điểm đến lý tưởng đối với bất kỳ du khách nào yêu thích thiên nhiên. Với hành trình 3 ngày 2 đêm, sẽ đưa du khách đến rất nhiều điểm tham quan tuyệt vời tại Côn Đảo.
Côn Đảo tổng diện tích 76 km2, gồm 16 đảo lớn nhỏ hợp thành một quần đảo trong đó lớn nhất là Côn Sơn có diện tích 51,52 km2... Các hòn đảo còn lại: hòn Bà, Bảy Cạnh, Bông Lan, hòn Cau, Tài Lớn, Tài Nhỏ, Trác Lớn, Trác Nhỏ, Tre Lớn, Tre Nhỏ, hòn Trọc, hòn Trứng, hòn Vung, Trứng Lớn, Trứng nhỏ. Trong đó hòn Trứng Lớn và hòn Trứng Nhỏ là 2 đảo không người ở chủ yếu là núi đá. Huyện Côn Đảo (hay còn gọi là Côn Sơn, Côn Lôn) thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Nơi gần nhất trên đất liền cách Côn Đảo chỉ 40 hải lý là xã Vĩnh Hải – thị xã Vĩnh Châu – tỉnh Sóc Trăng.
Những điểm đến bạn không thể bỏ qua khi đến với Côn Đảo như:
Bảo tàng Côn Đảo
Với lịch sử gắn liền 2 cuộc chiến chống Pháp, Mỹ thì điểm đầu tiên không thể bỏ qua khi đến đây đó là bảo tàng Côn Đảo, nơi sẽ mang đến cho du khách cái nhìn tổng quát về một Côn Đảo xưa đã trải qua bao thăng trầm thay đổi và cố gắng vươn lên để có một Côn Đảo xinh đẹp hôm nay.
Bảo tàng được xây dựng từ 6/12/2009 đến 10/10/2010 và là một những công trình kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ trong khuôn viên rộng 2 ha, trong đó diện tích trưng bày khoảng 1.700m2 gồm phòng khánh tiết và 4 phòng chủ đề: Côn Đảo thiên nhiên con người, Côn Đảo địa ngục trần gian, Côn Đảo trận tuyến và trường học, Côn Đảo ngày nay.
Du khách sẽ được tham quan hơn 2.000 hiện vật và nghe giới thiệu về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ thời sơ khai đến giai đoạn phát triển và đặc biệt hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh trong 113 năm “ Địa ngục trần gian”.
Dinh Chúa Đảo
Trước khi có bảo tàng, nơi đây được sử dụng để trưng bày các hiện vật của Côn Đảo. Được xây dựng năm 1862 – 1876 trên tổng diện tích 18.600 m2. Nơi đây còn được gọi là dinh Ông Lớn hay dinh Tỉnh trưởng, là nơi ở của 53 đời chúa đảo trong đó 39 đời chúa đảo dưới thời thực dân Pháp và 14 đời chúa đảo của đế quốc Mỹ. Đây là cơ quan đầu não của hệ thống nhà tù dưới quyền cai quản của chúa đảo. Tại đây chúng đề ra những cách thức và biện pháp để tra tấn, đàn áp tù nhân một cách man rợ tàn độc nhất và một trong số những chúa đảo khét tiếng là hiện thân của tội ác, của địa ngục trần gian chính là chúa đảo Andouard (Pháp) và Nguyễn Văn Vệ (Mỹ - Ngụy). Hiện nay, dinh Chúa Đảo là nơi trưng bày tội ác của chúng và là di tích gắn liền theo dòng chảy thời gian không dễ phai mờ bởi một hệ thống cai trị kinh hoàng cho cả thế giới.
Hệ thống nhà tù
Trại tù Phú Sơn, Phú Hải: Nơi đây đã giảm giữ hàng trăm ngàn chiến sĩ yêu nước với nỗi ám ảnh về “hầm xay lúa”, “phòng tối” – nơi chuyên dành tra tấn tù nhân.
Chuồng cọp kiểu Pháp: Được xây dựng kiên cố ngụy trang bởi những lớp cổng mê cung nhằm che dấu báo chí quốc tế và đánh lạc phương hướng tù nhân, nơi diễn ra những đợt tra tấn man rợ nhất.
Chuồng cọp kiểu Mỹ: Xây dựng năm 1971 với các gian phòng nhỏ hẹp ẩm thấp dùng để tra tấn và đàn áp tinh thần của những tù nhân chính trị.
Khu biệt lập chuồng bò: Năm 1930 từ những chuồng nuôi heo và bò, Pháp biến những chuồng bò thành trại giam chuyên giam giữ tù nhân nữ, mỗi tù nhân bị gông xiềng nhốt trong những chuồng bò. Đến thời Mỹ, chúng tận dụng luôn những lồng heo để nhốt tù binh.
Nghĩa trang Hàng Dương
Nơi chôn cất những tù nhân trên đảo, lúc đầu nghĩa trang được dựng tại chuồng bò, sau đó chuyển đến Hàng Keo nhưng đến năm 1944 chế độ khủng bố trắng sau khởi nghĩa Nam Kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân khiến nghĩa địa Hàng Keo không còn đủ chỗ. Pháp cho mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù nhân, đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã có hơn 6.000 tù nhân bị giết hại.
Nghĩa trang Hàng Dương hiện nay là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ Cách mạng và những người yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày từ năm 1862 – 1975 như nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, ủy viên Quốc tế Cộng sản Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Cao Văn Ngọc, nữ anh hùng Võ Thị Sáu,…
Nghĩa trang rộng 190.000m2 chia làm 3 khu A, B, C. Bước qua cổng nghĩa trang là sân làm lễ với tượng đài “Trao Áo” cao 9m nặng 25 tấn được xây dựng 16/7/1980. Tượng đài khắc họa lại câu chuyện cảm động vì những tù nhân ở đây họ thiếu ăn thiếu mặc nên trước khi chết người tù sẽ trao lại áo cho những người còn sống “chết còn cởi áo trao nhau”, dưới chân tượng là dòng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Đó là sự hy sinh cao cả đến những phút cuối cùng cho dân, cho Đảng và Cách mạng. Qua khu tưởng niệm là tác phẩm điêu khắc “Bất khuất” dài 22m cao 3,2m. Đó là khối đá nằm ngang khắc họa hình ảnh nhà tù và những người bị giam giữ với nghệ thuật điêu khắc độc đáo phân bố hợp lý những lõm sâu, nhịp đặc, rỗng thể hiện sống động cuộc sống bị gông xiềng và ý chí kiên cường, niềm tin của những người tù với lý tưởng Cách mạng giải phóng dân tộc.
Tác phẩm “Hy vọng” là tượng đài cô gái cao 5m đứng hiên ngang trong gió, tay thả cánh chim tự do thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, là hóa thân của nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Nghĩa trang Hàng Dương được bảo tồn với hàng vạn nấm mộ có tên và không tên, là minh chứng cho tội ác của đế quốc và thực dân đối với Việt Nam. Nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ bị tù đày khổ sai đấu tranh và hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nghĩa trang được mở cửa suốt ngày đêm chào đón du khách trong và ngoài nước đến viếng và hoài niệm về một Côn Đảo với những con người làm nên huyền thoại.
Cầu tàu 914
Địa danh gắn liền với con số 914 nhưng lại không phải số km hay con số thứ tự đơn giản mà đó là số sinh mạng đã bỏ lại nơi đây để hoàn thành cây cầu lịch sử này.
Năm 1873, Pháp cho xây dựng cây cầu dài 100m từ vịnh Côn Sơn kéo dài đến gần dinh Chúa Đảo đánh dấu cho sự ra đời của chế độ cai trị tàn bạo của những đế quốc và thực dân xâm lược. Đó là nơi chứng kiến bước chân đầu tiên của những tù nhân ra đảo để bắt đầu cuộc sống địa ngục trần gian. Trải qua 113 năm với bao lớp người đã ngã xuống và đến khi Cách mạng thành công, đất nước được thống nhất, lại một lần nữa cầu tàu 914 hân hoan với cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, đón một khởi đầu mới cho Côn Đảo chấm dứt cuộc sống lao khổ, tù đày.
Miếu bà Phi Yến
Còn có tên gọi là An Sơn Miếu. Đây là nơi thờ bà thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Anh (Nguyễn Ánh). Gắn với câu chuyện của Nguyễn Ánh sau khi đánh thua quân Tây Sơn, năm 1783 ông dẫn theo vợ con và gia đinh hơn 100 người chạy ra đảo Côn Sơn lánh nạn và lập nên 3 làng An Hội, An Hải và Cỏ Ống nhằm nuôi lực lượng đánh trả quân Tây Sơn. Khi biết Nguyễn Ánh có ý định cầu viện Pháp, bà phi Yến (tên tục Lê Thị Răm) đã khuyên can nhưng Nguyễn Ánh không nghe mà còn nhốt bà vào hang động ngoài đảo (nay gọi là hòn Bà). Khi Tây Sơn đuổi đến ông chạy ra biển và ném con trai lúc đó mới 4 tuổi là hoàng tử Cải xuống biển vì nghĩ rằng con rồi sẽ giống mẹ, xác hoàng tử trôi vào biển và được dân làng chôn cất. Thương cho tình cảnh mẹ con bà Phi Yến, cư dân truyền nhau câu hát “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Khi làng An Hải tổ chức lễ hội, họ rước bà đến tham dự nhưng bà lại bị kẻ xấu xúc phạm nên đã tự tử để bảo toàn trinh tiết và dân làng lập nên miếu thờ để tưởng nhớ tình cảnh đáng thương của người phụ nữ “Trung trinh tiết liệt”.
Miếu hoàng tử Cải
Hay còn gọi là Miếu Cậu, nằm trong làng Cỏ Ống, là nơi thờ hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khi xưa bị ném xuống biển, sau đó xác hoàng tử trôi dạt về đây và được dân làng tìm thấy và chôn cất. Gian thờ chỉ khoảng 10m2, phía sau là phần mộ của Cậu và cư dân trên đảo rất tin tưởng vào sự linh thiêng của miếu Câu.
Bãi Đầm Trầu
Nằm gần sân bay Côn Đảo và cách trung tâm chỉ 14km, Bãi Đầm Trầu là bãi biển đẹp nhất tại Côn Đảo được ví như nàng tiên đang say giấc. Bãi Đầm Trầu mang vẻ đẹp hoang sơ với bờ cát trắng mịn ôm trọn biển xanh, sóng biển nhẹ nhàng mang đến cho du khách cảm giác thư giãn thật sự.
Chùa núi Một (Vân Sơn tự)
Ngôi chùa duy nhất trên đảo, nằm trên ngọn núi Một. Được xây dựng từ thời Mỹ (1964) nhằm che dấu tội ác và giảm sự căng thẳng về vấn đề nhân quyền tại nhà tù Côn Đảo.
Sau năm 1975, chùa được tôn tạo lại với diện mạo mới khang trang và đẹp hơn, thu hút nhiều cư dân trên đảo và khách thập phương đến viếng chùa. Đây cũng là nơi lý tưởng để khách “check in” với những bức ảnh đẹp nhờ vào vị trí trên núi cao, mặt hướng ra biển phóng tầm mắt xa nhìn toàn cảnh biển Côn Đảo đẹp như mơ.
Bãi Nhát
Nằm trên cung đường từ cảng bến Đầm về trung tâm Côn Đảo, cũng là cung đường đẹp nhất với một bên là hàng cây xanh mát và một bên biển cả mênh mông. Bãi biển nổi tiếng không chỉ vẻ đẹp hoang sơ mà còn vì đây là bãi tắm chìm ngập trong nước biển, chỉ xuất hiện khi thủy triều rút xuống thì một bãi biển xanh trong mới hiện ra.
Mũi Cá Mập
Đây là nơi lý tưởng để ngắm cảnh hòn Tài, hòn Trác và phía xa xa là bãi Nhát, núi Tình Yêu nổi lên giữa biển xanh mênh mông lúc hoàng hôn buông xuống.
Đặc biệt nơi đây chưa khai thác du lịch nhiều nên còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Du khách khi đến đây luôn cảm giác không gian bình yên, giản dị và gần gũi với thiên nhiên.
Cảng Bến Đầm
Cách trung tâm 15km được hình thành và hoạt động từ năm 2006, với chiều dài 2km có thể chứa cùng lúc 20 tàu thuyền cỡ lớn. Đây là nơi cập bến của tàu bè địa phương cũng như tàu chở khách du lịch.
Hòn Bảy Cạnh
Là hòn đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Côn Đảo với diện tích 5,5km2. Nằm phía Đông của Côn Đảo được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh của vườn quốc gia Côn Đảo có hệ sinh thái rừng ngập mặn khoảng 5,1 ha gồm 150 loài động vật và hơn 900 loài thực vật. Hòn Bảy Cạnh thuộc vườn quốc gia Côn Đảo được Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Đây còn là khu bảo tồn sinh vật biển: các rặng san hô, hải sâm, bò biển, trai,… đặc biệt là rùa biển nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học. Hàng năm, có trên 400 rùa mẹ lên bãi cát của vườn quốc gia làm tổ đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển.
Di chuyển bằng ca nô khoảng 20 phút, du khách được chiêm ngưỡng không gian rừng ngập mặn trên đảo, tắm biển và lặn ngắm san hô đủ màu sắc hoặc thử cảm giác đi bộ xuyên rừng ngập mặn khi thủy triều xuống. Đặc biệt nếu ra hòn Bảy Cạnh khoảng tháng 7 đến tháng 10, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác xem rùa biển đẻ trứng vào ban đêm.
Hòn Cau
Thuộc huyện Côn Đảo, cách trung tâm khoảng 8km, diện tích 140 ha. Đây là nhà tù thứ 2 tại Côn Đảo, giam giữ những tù nhân chính trị, đặc biệt là cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Hòn Cau cũng là nơi bảo tồn các loài sinh vật biển: Rùa biển, vích và rặng san hô gần như nguyên vẹn. Thăm hòn Cau, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ với bãi cát trắng trải dài theo hình cánh cung, được che chắn bởi rặng dừa xanh mát và những trải nghiệm: khám phá hệ sinh thái đảo dừa, đảo ốc, thăm các di tích nhà tù, lặn ngắm san hô, tìm hiểu hệ sinh thái san hô đa dạng,…
Côn Đảo luôn là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, các di tích có giá trị lịch sử và giáo dục, hệ sinh thái đa dạng,… mang đến cho du khách những chuyến trải nghiệm khó quên. Hãy một lần đến đây để hiểu thêm về thiên nhiên và con người Côn Đảo, với những huyền thoại đi cùng năm tháng.