Kinh nghiệm tham quan Côn Đảo mùa rùa để trứng

Côn Đảo là một địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây không chỉ được biết đến với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn là một điểm đến lý tưởng để trải nghiệm các hoạt động thú vị. Và xem rùa đẻ trứng là một trong những trải nghiệm thú vị đó tại Côn Đảo.

Với đặc trưng của một khu bảo tồn thiên nhiên, nơi đây sở hữu rất nhiều cá thể rùa biển, do đó khách du lịch đến tham quan huyện đảo sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến hình ảnh rùa biển đẻ trứng trên những bãi cát trắng mịn.

- Xem rùa đẻ trứng tại Côn Đảo có gì hấp dẫn?

Với diện tích vùng nước khoảng 14.000 ha. Côn Đảo là nơi sinh sống của một quần thể lớn rùa biển.Theo thống kê mỗi năm tại huyện Côn Đảo có khoảng 350 cá thể rùa mẹ lên đẻ trứng. Sau khoảng 45 đến 60 ngày, trứng sẽ nở thành rùa con. Số lượng cá thể con ước tính lên đến 50.000 con...

Thời gian sinh sản của rùa biển là từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Đặc biệt, từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 là cao điểm của mùa sinh sản. Do đó, sẽ có hàng trăm lượt rùa biển bò lên bờ để đẻ trứng vào mỗi đêm. Khi đi du lịch vào thời điểm này, du khách sẽ được xem rùa biển đẻ trứng trên những bãi cát.

- Thời điểm lý tưởng để xem rùa đẻ trứng tại huyện Côn Đảo.

Thời điểm lý tưởng nhất để đến Côn Đảo là vào mùa hè. Thời gian khoảng từ tháng 5 đến tháng 11. Ngoài cơ hội chiêm ngưỡng rùa đẻ trứng thì đây là thời điểm mà huyện đảo có nhiều hoạt động trên biển hấp dẫn nhất trong năm. Đặc biệt, từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 là thời gian trứng nở thành con, du khách có thể vừa được xem rùa đẻ trứng, vừa được thả rùa con về với biển. Đây không chỉ là trải nghiệm hấp dẫn mà còn là hoạt động cực kỳ ý nghĩa đối với những người yêu thiên nhiên, yêu động vật.

- Địa điểm lý tưởng để xem rùa đẻ trứng.

Nơi lý tưởng nhất để có thể xem rùa đẻ trứng phải kể đến là bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh, là một trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo, đồng thời là điểm có lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất. Đây là khu vực thuộc quyền quản lý và bảo tồn của vườn quốc gia Côn Đảo. Du khách có thể ghé đảo từ 4 đến 6 giờ hoặc ở lại qua đêm nhưng chỉ được ở lại một đêm trên hòn Bảy Cạnh để xem rùa đẻ trứng

Với điểm này, hòn Bảy Cạnh thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan và khám phá. Tuy nhiên, số lượng người được ở lại qua đêm chỉ từ 20 đến 25 du khách. Do đó, để có thể xem hoạt cảnh rùa biển sinh sản, du khách cần đăng ký trước với các đơn vị cung cấp dịch vụ để được giữ vé tham quan quan Hòn Bảy Cạnh nguyên đêm.

- Tuy nhiên làm thế nào để đến được Hòn Bảy Cạnh cũng là mối quan tâm của rất nhiều du khách.

 Để đến được nơi đây, du khách cần phải xin giấy phép thông hành, loại giấy tờ này được cấp bởi Ban quản lý vườn quốc gia Côn Đảo trên đảo lớn Côn Sơn. Giấy phép được cấp miễn phí, có hiệu lực lưu thông đến 5h chiều của ngày hôm sau. 

Khi có giấy phép, du khách có thể thuê tàu thuyền du lịch, hoặc cano để di chuyển đến hòn đảo. Trung bình, giá thuê tàu dao động trong khoảng 1,5 triệu cho chiều đi và chiều về, thời gian di chuyển đến Hòn Bảy Cạnh khoảng 45 phút đến 1 giờ, tùy vào tình trạng thời tiết và vận tốc của tàu.

Khi thuyền cập bến Hòn Bảy Cạnh Côn Đảo, du khách đi men theo con đường mòn ven bìa rừng ngập mặn khoảng 700m để đến trạm kiểm lâm Bảy Cạnh. Trên đường, du khách có thể tận mắt nhìn thấy những loài động vật hoang dã và quý hiếm như: sóc mun, đồi mồi, chuột hữu, gà rừng, bướm đủ sắc…

Bao phủ xung quanh là rừng ngập mặn với diện tích rộng lớn và sự đa dạng của thảm thực vật với 24 loài thực vật ngập mặn chủ yếu là: đước đôi, vẹt trụ, vẹt dù, dà vôi, su ổi, bàng phi… Du khách như được hòa mình với thiên nhiên, đi dưới những tán cây xanh mát trong bầu không khí trong lành.

Ngoài ra, khi đi xem rùa biển đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh Côn Đảo, du khách cần phải tuân thủ những quy định bắt buộc như không săn bắt động vật, số lượng du khách tham quan trong ngày tối đa là 48 người nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên được an toàn.

- Trải nghiệm quan sát rùa biển đẻ trứng tại Côn Đảo

Hành trình quan sát rùa mẹ đẻ trứng sẽ có người của vườn quốc gia Côn Đảo hướng dẫn hoặc có thể được chỉ dẫn bởi những người dân bản địa đi cùng. Du khách sẽ được hướng dẫn cách quan sát mà không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của rùa mẹ.

Khi quan sát du khách cần giữ im lặng. Đồng thời, không được soi đèn vào mắt rùa. Bởi loài rùa biển rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng xung quanh. Chính vì thế mà thời điểm sinh sản của loài động vật này chỉ diễn ra vào ban đêm. Khi bị làm phiền trong lúc đẻ, rùa mẹ sẽ bỏ tổ và bò trở lại biển. Do đó, nó không thể hoàn thành chu trình sinh sản của mình. Vì vậy Côn Đảo phải lập các chốt kiểm lâm để đảm bảo quá trình sinh nở của rùa biển không bị gián đoạn.

Thông thường, sau bữa tối, du khách sẽ được hướng dẫn nghỉ ngơi trên những chiếc lều võng ven biển. Khi nước lên cao, rùa biển sẽ bò lên các bãi cát để tìm nơi đẻ trứng. Lúc này người hướng dẫn sẽ thông báo để du khách được ra khu vực đẻ trứng của rùa.

Dưới ánh trăng, du khách sẽ thấy những con rùa đang chậm chạp bò lên bờ. Để đẻ trứng, rùa biển phải theo các bước sau: tìm bãi, đào tổ, đẻ trứng và lấp tổ xóa dấu vết.

Rùa mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50 - 60cm, rộng khoảng 20cm và bắt đầu đẻ trứng. Trong ánh đèn pin sáng nhẹ, du khách sẽ được thấy từng quả trứng rùa tròn và trắng, to gần bằng ngón tay cái lần lượt rơi xuống ổ vừa được đào. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ sẽ dùng chân lấp tổ để xóa dấu vết. Điều này cũng giúp trứng được bảo vệ và ấp trong điều kiện thuận lợi. Khi đã hoàn tất mọi công đoạn, rùa mẹ sẽ lại chậm rãi bò về với đại dương bao la.

Khu vực lý tưởng để loài rùa sinh sản là những vùng cát mịn, đồng thời vị trí này phải gần các bụi cây để tổ chúng không bị lộ dấu vết, tránh cho trứng gặp nguy hiểm bởi những loài động vật khác.

Trong một lần sinh sản, rùa mẻ có thể đẻ trung bình khoảng 80 trứng, tuy nhiên đã có trường hợp ghi nhận một cá thể rùa mẹ đẻ được 200 quả trứng tại huyện Côn Đảo.

- Quá trình ấp trứng rùa biển.

Sau khi rùa mẹ đẻ xong, rời tổ và trở về với biển cả. Du khách sẽ được quan sát nhân viên kiểm lâm thực hiện công đoạn bảo tồn rùa biển đó là lấy trứng đem về tổ ấp.

 Đầu tiên các nhân viên kiểm lâm sẽ lấy trứng mang về tổ ấp nhân tạo, trứng sẽ được ấp trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, thời gian ấp kéo dài 6 tiếng. Thực hiện công việc này nhằm giúp cho trứng rùa biển có thể đạt tỷ lệ sinh nở cao nhất, giúp bảo tồn giống loài rùa một cách tối đa.

Sau khi được đưa về, một nửa số lượng trứng sẽ được đưa vào hồ ấp chứa nhiều ánh sáng. Nửa còn lại được ấp trong môi trường ít ánh sáng hơn. Để hạn chế ánh sáng, đội ngũ kiểm lâm sẽ phủ một tấm lưới dùng để chống nắng. Việc này chính là để cân bằng giới tính của rùa con khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được giống đực, cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp.

Thời gian ấp trứng khoảng từ 45 đến 60 ngày. Sau thời gian này, trứng sẽ nở thành rùa con. Du khách khi đến đây không chỉ được theo dõi rùa biển đẻ trứng, quá trình ấp mà còn có thể thả rùa con về với đại dương rộng lớn.

- Quá trình trứng nở và thả rùa con về với biển

Trong khi du khách tham quan hồ ấp trứng, có thể sẽ thấy rùa con được ấp từ thời gian trước bắt đầu nở. Du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy rùa con cố chui ra khỏi vỏ trứng và chen chúc nhau leo lên trên miệng tổ để bò về phía bờ biển. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ và đưa xuống bờ cát khi con nước cao và mặt trời chưa gay gắt, bởi khi ánh sáng chiếu vào mắt sẽ làm rùa con lạc đường.

Du khách sẽ được nâng đỡ những con rùa nhỏ trong lòng bàn tay, mang chúng đến sát mặt nước và thả về đại dương.

Du khách sẽ được chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn rùa con chập chững tự bò xuống biển trong quãng đường chỉ cỡ vài chục mét. Trước khi rùa con hòa mình vào biển sẽ quay đầu nhìn lại mảnh đất mà chúng được sinh ra. Sau khoảng 30 năm khi rùa đã trưởng thành, chúng sẽ quay lại chính nơi mình chào đời để tiếp tục quá trình sinh sản và duy trì giống loài. Tỷ lệ sống sót là 1/1000 vì thế rùa biển được đưa vào sách đỏ của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới để bảo tồn.

- Để hành trình tham quan và khám phá được thuận lợi du khách cần lưu ý một vài điểm sau:

* Khi xem rùa mẹ đẻ trứng hãy giữ im lặng và không chiếu đèn vào phía mắt rùa vì loài này rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng lúc lên bãi. Nếu bị kinh động rùa sẽ bò xuống biển trở lại hoặc đang đẻ sẽ ngừng.
* Do trên hòn Bảy Cạnh chỉ có khu vực sinh sống và làm việc của trạm kiểm lâm, không có các loại hình dịch vụ ẩm thực nên du khách phải tự túc đem theo thức ăn và nước uống. Cần có hướng dẫn viên của Vườn quốc gia hoặc người địa phương đi cùng.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cần thiết khi xem rùa đẻ trứng tại Côn Đảo. Với những thông tin trên Du lịch Hòa Bình Việt Nam hy vọng sẽ giúp ích cho du khách trong quá trình tham quan Côn Đảo mùa rùa đẻ trứng.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH