Tây Nguyên
Lễ Hội Trùng Cửu Tại Nhà Lớn Long Sơn
Thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chỉ 120 km, lại thêm giao thông thuận tiện với cao tốc Long Thành Đồng Nai. Đây luôn là lựa chọn ưu tiên cho những chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần, các chương trình tour chuyên về teambuilding,… Với đầy đủ các dịch vụ, cơ sở vật chất, hạ tầng có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho du khách. Bên cạnh những bãi tắm đẹp, những ngôi chùa cổ kính, các di tích lịch sử,… Vũng Tàu còn được nhiều người biết đến bởi nơi đây có một địa danh đã gắn liền với những chuyến tham quan thành phố biển xinh đẹp này, đó là Nhà Lớn Long Sơn và lễ hội Trùng Cửu độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa bản địa.
Đất nước Việt Nam với 54 dân tộc anh em, trải dài từ Bắc vào Nam, qua mỗi vùng đất đều mang đến cho du khách những màu sắc văn hóa khác nhau, đa dạng nhưng không kém phần đặc trưng của văn hóa bản địa. Hãy cùng Du lịch Hòa Bình đến với Nhà Lớn Long Sơn để tìm hiểu một trong những nét văn hóa của người Việt về tín ngưỡng thờ cúng dân gian.
Đạo Ông Trần
Di tích này thuộc xã đảo Long Sơn, cách Thành phố Hồ Chí Minh 82 km, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 15 km. Di tích nhà Lớn Long Sơn là nơi thờ Đạo Ông Trần. Ông tên thật là Lê Văn Mưu (1855 – 1935), quê gốc Hà Tiên và một trong những người theo nghĩa quân chống Pháp. Năm 1887 dưới sự đàn áp mạnh mẽ của thực dân Pháp, ông rút về quê ở ẩn. Đến 1891, ông dẫn theo gia quyến và một số đồng hương xuôi thuyền về vùng Đông Nam bộ và chọn đất xã đảo Long Sơn, lúc bấy giờ là khu rừng rậm, dã thú khắp nơi. Đoàn người của ông đến đây khai hoang và dựng nhà ở, ông sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh, dạy người dân làm muối, đánh bắt hải sản. Nhờ đó đời sống cư dân trong vùng tốt lên, nhiều người dân vùng lân cận rất quý mến và cảm phục trước công lao của ông, nhất là sau sự kiện ông mở kho lúa cứu đói cho những nạn nhân trong cơn bão của miền Tây Nam bộ, nên họ rủ nhau về đây lập nghiệp khiến cho vùng đất này ngày càng đông đúc. Vốn là người gốc miền Tây, ông quen với nếp sinh hoạt giản dị của người nông dân, đi chân trần mặc đồ bà ba đen, đầu búi củ tỏi,… đúng chất người nông dân Nam bộ. Nên người dân nơi đây gọi ông với các danh xưng rất mộc mạc là “Ông Trần”; Khi ông sáng lập ra đạo mới từ đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” ông không đề ra triết lý sâu xa gì mà chỉ với quan niệm đơn giản: tu tại tâm, dạy họ cách làm người, sống chân thật giản dị, yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, … nhằm răn dạy mọi người sống tốt đẹp hơn, tu tâm dưỡng tính. Từ đó đạo ông sáng lập ra cũng gọi theo tục danh của ông là “Đạo Ông Trần”. Ngày nay, những người theo đạo ông cũng giữ nếp sinh hoạt cũ với áo bà ba đen, tóc búi củ tỏi, đi chân trần.
Di tích nhà Lớn Long Sơn
Ngôi nhà do chính “Ông Trần” xây dựng từ năm 1910 – 1929, do tiền riêng của ông và những người theo đạo ông tự nguyện quyên góp. Di tích đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia vào năm 1991.
Kiến trúc ngôi nhà được kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và đạo Nho giáo, Lão giáo. Nhà được xây dựng theo kiểu tứ hợp viện, bao gồm:
+ Khu vực trung tâm: Cổng tam quan, chánh điện, lầu Tiên, lầu Phật, lầu Cấm, nhà khách. Ngoài ra còn có thêm lầu Dài làm nơi để cho khách thập phương nghỉ ngơi.
+ Khu vực phụ cận: 5 dãy nhà cho dân cư đến lập nghiệp sinh sống, trường học, chợ, nhà máy xây lúa gạo, kho thóc, nhà bếp, các hồ chứa nước.
Ngoài ra nơi đây còn lưu giữ món đồ cổ quý giá: bộ tủ thờ, lư hương, đèn cổ và nhiều bộ hoành phi, câu đối, liễn. Tất cả công trình này cùng một khu chung nên gọi là nhà lớn, sau khi ông mất khu này gọi là Đền Ông Trần
Do ảnh hưởng Nho giáo và Lão giáo, đạo của ông không yêu cầu nặng việc nhang đèn, kinh kệ mà chủ yếu là những dạy dỗ từ sách hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Điều đặc biệt du khách đến đây hoàn toàn miễn phí tham quan nhưng vẫn được tiếp đón chu đáo, mời trà bánh. Vào ngày lễ lớn, khách thập phương ghé thăm cũng được phục vụ ăn nghỉ miễn phí.
Lễ Trùng Cửu
Sau khi ông Lê Văn Mưu qua đời, để tưởng nhớ ông người dân trên đảo đã lập ra 2 lễ lớn là Lễ Vía Ông (vào ngày 18, 19,20/2 Âm lịch) và ngày lễ Trùng Cửu (7,8, 9/9 Âm lịch). Ngày lễ Trùng Cửu không chỉ để tưởng nhớ ông Trần, còn dịp để cầu bình an, sức khỏe và may mắn cho người dân trên đảo. Trong ngày lễ Trùng Cửu, trong ngôi nhà lớn được trưng bày hàng trăm câu liễn đỏ là những lời răn dạy về cuộc sống và cách làm người. Những câu liễn này đều do những người lớn tuổi trong đạo viết vào mỗi dịp lễ.
Lễ hội diễn ra với nghi thức cúng tiên thường (cúng mặn) và chánh giỗ (cúng chay). Khác với những lễ hội khác luôn nhộn nhịp, tưng bừng, lễ hội ở đây đơn giản nhưng trang trọng. Trong dịp lễ này, tính cộng đồng thể hiện rất cao, những người dân trên đảo tự đến nhà lớn giúp việc, mỗi người một nhiệm vụ phối hợp rất nhịp nhàng: dọn dẹp, trang hoàng, nấu nướng, tiếp khách,… như trong một đại gia đình đầm ấm thân quen. Vào đúng ngày này, khách thập phương đến đây được đón tiếp nồng nhiệt, thân thiện, hiếu khách và được phục vụ ăn nghỉ miễn phí.
Đến đúng dịp lễ Trùng Cửu, ngoài tham quan Nhà Lớn và tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng thờ cúng dân gian và tham dự ngày lễ trang nghiêm mà ấm cúng còn giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị văn hóa bản địa và cách đối nhân xử thế, tình người và trải nghiệm lối sống cộng động của người dân xã đảo Long Sơn.