Miền Nam
Nét đẹp văn hóa trong lễ hội giỗ Bà Phi Yến
Côn Đảo không chỉ nổi tiếng bởi những bãi biển tuyệt đẹp, thiên nhiên hoang sơ mà còn bởi các điểm đến tâm linh. Cùng với nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo thì miếu Bà Phi Yến (An Sơn miếu) là chốn linh thiêng, độc đáo không kém. Đây là điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến Côn Đảo. Đặc biệt, tại đây vào ngày 18 tháng 10 âm lịch hằng năm, người dân bản địa và du khách sẽ được tham gia vào lễ giỗ tưởng nhớ về Bà được tổ chức trang trọng. Đây là lễ hội lớn, mang giá trị văn hóa tiêu biểu của người dân Côn Đảo. Cũng là niềm tự hào của địa phương, là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy những hoạt động văn hóa gắn với di tích, để những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong dân gian mãi mãi được lưu truyền.
Miếu Bà Phi Yến hay còn gọi An Sơn Miếu là một trong số ít di sản văn hóa dân gian ở Côn Đảo, được xây dựng vào năm 1785. Năm 1861, sau khi thực dân Pháp chiếm đảo, chúng quyết định di dời toàn bộ dân cư vào đất liền để xây dựng nhà tù nên ngôi chùa dần hoang tàn. Năm 1958, nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu khang trang trên nền ngôi miếu cũ và được thờ tự cho đến nay. Kiến trúc ngôi miếu không quá đồ sộ, nhưng không gian vô cùng thoáng đãng, rộng rãi và mát mẻ bởi những cây thị cổ thụ phủ bóng mát khắp khoảng sân rộng. Ở giữa sân có một hồ cá nhỏ, tiếp đến là tượng hai chú sư tử oai phong. Không gian bên trong miếu được bài trí gọn gàng với các ban thờ Phật, Bà Phi Yến, Bác Hồ. Đây là ngôi miếu duy nhất trên đảo, thờ bà Phi Yến - vị "Thần Nữ" được người dân Côn Đảo hết lòng tín ngưỡng và kính trọng chỉ sau nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
An Sơn Miếu rất linh thiêng và gắn liền với câu chuyện bi thương của một người phụ nữ tài năng, đức độ và yêu nước. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, vốn là thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở đây, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng là An Hải, An Hội và Cỏ ống. Ðể đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là Hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Pháp (Bá Ða Lộc) sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến can chồng đừng "cõng rắn cắn gà nhà". Nguyễn Ánh nghe vậy tức giận, tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ. Nghe tin quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy. Hoàng tử Cải, con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải trôi vào bãi biển Cỏ ống và được dân làng chôn cất. Bà Phi Yến, theo truyền thuyết được một con vượn và một con hổ trắng cứu ra khỏi hang, về sống với dân làng và trông nom mộ hoàng tử Cải. Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết. Từ câu chuyện của bà Phi Yến và hoàng tử Cải mà dân gian lưu truyền câu ca dao buồn: “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Trân quý đức hạnh của bà, người dân đã lập miếu thờ và vào ngày 18/10 âm lịch hàng năm sẽ tổ chức lễ hội và lễ cúng giỗ cho mẹ con của bà. Lễ giỗ thông thường sẽ có hai phần chính: phần lễ và phần hội. Trong đó phần hội được diễn ra trước với những trò chơi truyền thống, điệu hát ca dao, giao lưu văn nghệ, thậm chí còn có cả đờn ca tài tử. Còn phần lễ thì mọi người sẽ cùng nhau dâng hương và hoa quả để dâng lễ cúng Bà. Những mâm cỗ chay có đầy đủ các món như: hoa quả, xôi chè, hương hoa, bánh, ngũ quả và được sắp xếp bày biện đẹp mắt. Cùng ngày tổ chức lễ giỗ cho Bà Phi Yến thì người dân có tổ chức lễ hội ăn chay nhằm tưởng nhớ tới công lao to lớn của bà người phụ nữ anh hùng của dân tộc.
Lễ giỗ Bà Phi Yến mang một ý nghĩa đặc biệt về văn hóa đời sống tinh thần của người dân trên đảo, là niềm tự hào của nhân dân huyện đảo. Đó còn là một sản phẩm du lịch tâm linh điển hình để nhiều người tìm đến.
Hiện nay, miếu Bà Phi Yến đặc biệt là lễ hội Giỗ Bà Phi Yến đang thu hút lượng khách trong nước và khách nước ngoài tới đây để tham quan, tìm hiểu nét văn hóa dân gian.
Với những người đã từng đến Côn Đảo ít nhất một lần thì họ đã quá hiểu về thân thế và cốt tích của Bà Phi Yến… Nhưng hàng năm các vị khách đó vẫn cứ muốn quay lại, để được hòa mình vào bầu không khí long trọng trong lễ hội thường niên này. Vậy còn những người chưa có cơ hội được tham dự lễ giỗ của Bà Phi Yến thì sao ? Năm này qua năm khác… Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, lớp này thay thế cho lớp khác, hiển nhiên ngày giỗ của Bà luôn là đề tài ý nghĩa và là sản phẩm du lịch mới mẻ trong con mắt của những người lần đầu được đi du lịch Côn Đảo.
Các bạn là một du khách chuẩn bị đến thăm Côn Đảo mà muốn tận hưởng cái không gian trang trọng của buổi lễ thì cũng cần phải biết sơ qua đôi chút về lễ giỗ của Bà.
Đến Côn Đảo đừng quên ghé qua miếu bà Phi Yến nhé.