Miền Nam
Ẩm thực Hoa trong lòng Sài Gòn
Thành phố Hồ Chí Minh sôi động, náo nhiệt có không ít món ăn khiến ai đã thử một lần đều muốn quay lại, trong đó có nhiều món ngon của người Hoa. Với các món ăn đặc trưng, ngon, lạ, vừa tinh tế khéo léo trong khâu chế biến, điều chỉnh gia vị, vừa hài hòa trong hình thức đã lấy lòng biết bao nhiêu thế hệ thực khách. Nhắc đến khu phố ẩm thực của người Hoa không thể không kể đến các khu vực rải rác ở các quận 5, quận 6, quận 11 và một phần quận 10. Ẩm thực người Hoa là những món ăn được chú trọng về mặt chất lượng và đầu tư về màu sắc cũng như hương vị, tạo nên một nét văn hóa ẩm thực Hoa trong lòng Sài Gòn.
1. Sủi cảo
Sủi cảo hay còn gọi là bánh chẻo, là một món ăn nổi tiếng bắt nguồn từ Trung Quốc, rồi lan rộng ra các nước Đông Á. Giống như bánh chưng của người Việt, sủi cảo được xem là một phần trong nền văn hóa ẩm thực độc đáo của đất nước Trung Hoa. Với người Hoa, sủi cảo là món ăn tượng trưng cho sự may mắn và đoàn tụ gia đình.
Sủi cảo được chế biến gần giống với hoành thánh nhưng lớn hơn và nhiều nhân hơn. Nhân sủi cảo có loại chỉ có thịt, có loại chỉ có rau, nhưng thường thì là thịt trộn với rau băm nhuyễn. Trong quá trình làm nhân, cầu kỳ nhất là băm thịt và rau. Cần chuẩn bị đầy đủ thịt, rau và các loại gia vị rồi cho lên thớt băm. Nhân sau khi chuẩn bị xong được cho vào một lát bánh mỏng, làm bằng vỏ bột mì rồi gói lại theo hình bán nguyệt và đem luộc. Tại Sài Gòn, nhắc đến sủi cảo, thực khách thường nghĩ đến phố sủi cảo Hà Tôn Quyền (quận 11). Các món sủi cảo tại đây rất phong phú, như sủi cảo chạp, sủi cảo tôm mực, thập cẩm, mì sủi cảo, sủi cảo chiên,…
2. Mì vịt tiềm
Mì vịt tiềm là món ăn độc đáo do người Hoa ở Chợ Lớn sáng tạo nên trong quá trình sinh sống và giao lưu văn hóa với người Việt ở phương Nam, phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn - Chợ Lớn. Người Hoa ở Sài Gòn đã biến hóa cách chế biến để phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Nước dùng trong món mì vịt tiềm rất ngọt vị xương nhưng không hề béo ngậy, thịt vịt giòn, mềm mà không hề tanh. Điểm hấp dẫn của món mì vịt tiềm là các sợi mì tươi ngon được làm tỉ mỉ từ trứng nên có màu vàng rất bắt mắt. Khi thưởng thức người dùng sẽ cảm nhận được sợi mì rất mềm nhưng giữ nguyên độ dai rất, trong món mì này còn có thêm những cọng cải ngọt giòn giòn tạo nên hương vị rất lạ miệng.
3. Cháo Tiều
Cháo Tiều của người Tiều ở Tiều Châu – Trung Quốc được du nhập vào Sài Gòn từ những năm 50, là một trong những món ăn đại diện cho người Hoa ở Sài Gòn. Cháo Tiều có hình thức khá tương đồng với món cháo lòng của người Việt với các nguyên liệu gồm gạo, thịt băm, gan, dạ dày, cật,…ngoài ra, trong món cháo Tiều còn có thêm nấm rơm và nhiều hành lá, gừng thái sợi nhỏ, một số nơi biến tấu món ăn thêm phong phú thêm với trứng gà và mực tươi, để được đậm thêm vị ngọt thanh, tất cả hòa quyện vào nhau đem lại hương vị cay nồng ấm bụng cho người ăn. Khi ăn thì cho nguyên liệu lên mặt cháo trắng chín mềm và mang một mùi vị riêng, thơm ngon, độc đáo. Cháo Tiều sẽ là gợi ý hoàn hảo để thưởng thức vào những ngày se lạnh.
4. Hủ tiếu hồ
Hủ tiếu hồ là một món ăn có nguồn gốc Triều Châu, Trung Quốc. Tên gọi hủ tiếu hồ bắt nguồn từ cách nấu nguyên bản từ xa xưa của người Tiều là cho chút bột năng vào nước lèo, đồng thời bỏ bánh hủ tiếu vào nấu chung nên nước hủ tiếu có độ sệt như hồ. Thời gian về sau, do muốn giảm độ ngán của món ăn nên người ta mới nấu nước dùng dạng trong, khi ăn mới trụng bánh hủ tiếu để bánh không bị bở nát.
Nét độc đáo nhất của món ăn này là bánh hủ tiếu, bánh hủ tiếu dùng để nấu hủ tiếu hồ to bản hơn sợi hủ tiếu thường rất nhiều lần. Nó dài vừa phải, bề ngang to, mỏng, trơn láng, thơm mùi bột gạo sừng sực, có chút dai nhẹ. Ngoài ra thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua, có chỗ thì thêm huyết và giò cháo quẩy. Hình thức thú vị này có lẽ do thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều. Chính vì thế mà hương vị hủ tiếu hồ khá là đặc biệt, không quá béo, rất vừa ăn.
5. Vịt quay Bắc Kinh
Đây là món đặc sản không còn xa lạ trong ẩm thực của người Hoa ở Việt Nam. Để làm nên món vịt quay Bắc Kinh ngon, các đầu bếp sẽ chọn những con vịt to, béo, da mỏng. Chúng được vặt lông, làm sạch rồi ướp với mạch nha và nhiều loại gia vị từ giấm đỏ, đường, muối đến ngũ vị hương… rồi chờ một thời gian cho gia vị ngấm đều vào da. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được gia vị được phân tán rất đều.
Khi quay người ta sẽ cho vịt lên một cái cây và xoay để chín đều. Để bên trong vịt được chín theo, đầu bếp sẽ cho nước vào trong bụng vịt và khi nước sôi sẽ giúp thịt vịt được chín từ bên trong. Đặc trưng của món vịt quay Bắc Kinh là sau khi được đưa lên quay sẽ có da màu vàng sậm, giòn trông rất hấp dẫn và tỏa ra mùi thơm kích thích vị giác.
6. Dimsum
Dimsum là món ăn truyền thống của người Trung Quốc, phiên âm quốc tế là “điểm sấm”, tiếng Việt đọc thành điểm tâm, hiểu đơn giản dimsum có nghĩa là bữa ăn lót dạ thường dùng vào buổi sáng. Với vỏ ngoài là một lớp bột mỏng và bên trong là nhân, có thể là nhân mặn hoặc ngọt, được nấu bằng cách mang đi chiên hoặc hấp.
Chế biến dimsum không dễ như nhiều người vẫn nghĩ, món ăn này cầu kỳ từng hình thức bên ngoài đến phần nguyên liệu bên trong. Mỗi chiếc dimsum có kích thước vừa miệng người ăn, đặt trong chiếc xửng bé bằng lòng bàn tay, luôn được giữ nóng để đảm bảo sở hữu hương vị tươi ngon nhất. Khi thưởng thức dimsum, không thể thiếu chén nước chấm xì dầu gồm ít dấm chua, ít ớt và vài lát gừng cắt sợi cho tròn vị và càng tuyệt vời hơn nếu thực khách sau bữa ăn nhấp thêm một ngụm trà nóng, tất cả hương vị tuyệt vời của món ăn sẽ đọng lại trong bạn.
7. Phá lấu
Phá lấu là một món ăn gốc Hoa tiêu biểu nhất ở Sài Gòn. Món ăn được chế biến từ nội tạng heo hoặc bò, gồm phèo, lá sách, lá mía, phổi, gan,… Sau khi sơ chế thật sạch để hết mùi tanh nồng, người ta ướp cùng với ngũ vị hương, quế chi, đại hồi và một số gia vị thuốc bắc. Phá lấu thường được dùng chung với cơm hoặc cháo, tuy nhiên bên cạnh cách ăn truyền thống, phá lấu còn có thể ăn kẹp chung với bánh mì nóng, chan kèm nước chấm, thêm kim chi, dưa cải để không bị ngán. Bánh mì phá lấu cũng góp mặt trong danh sách các món ăn của người Hoa được rất đông thực khách thưởng thức tại Sài Gòn.
8. Bánh hẹ
Bánh hẹ là một món ăn gia truyền của người Hoa, thường được chuẩn bị vào các dịp Tết, đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi. Nguyên bản bánh sẽ có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn an lành, thời gian sau bánh đã được biến tấu để phù hợp với khẩu vị chung của nhiều người.
Bánh hẹ thường sẽ được ăn cùng với trứng, gõ trứng lên chảo nóng chiên sơ qua sau đó cho bánh lên đảo thêm vài vòng là ăn được ngay. Có nhiều loại bánh được bày bán như bánh hẹ vuông, bánh hẹ tròn, bánh khoai môn, bánh tròn và bánh củ sắn. Với vỏ bột mềm dai bên trong đầy ấp nhân hẹ lạ miệng sẽ khiến bạn thích mê khi một lần thử ăn món ngon này.
Có thể nói Sài Gòn là vùng đất có đông người Hoa sinh sống từ hơn trăm năm nay, nhờ sự hội nhập và giao thoa văn hóa, họ đã góp phần tạo nên nét đặc trưng nhất định, tạo nên sự hấp dẫn cho nền văn hóa ẩm thực của thành phố mang tên Bác. Đó là một bức tranh ẩm thực Trung Hoa đặc sắc giữa lòng Sài Gòn.