Tây Nguyên
Gọi tên những món ngon từ vùng đất sen hồng
Không chỉ mang đến những chuyến tham quan đầy ấn tượng, “đất sen hồng” Đồng Tháp còn hút hồn du khách với những đặc sản địa phương dân dã mà ngon miệng khiến du khách không thể nào quên.
Được thiên nhiên bạn tặng loài sen không đâu trù phú bằng, người dân Đồng Tháp đã biết tận dụng cây sen từ vẻ đẹp đến các công dụng y học và ẩm thực. Các món ẩm thực từ sen vô cùng hấp dẫn và đa dạng. Từ ngó sen đến hạt sen, tim sen, lá sen đều có thể sử dụng để tạo ra nhiều món ăn với hương vị hấp dẫn khó quên và tốt cho sức khỏe. Các món đặc sắc từ sen có thể kể đến như:
● Gỏi ngó sen: Ngó sen sau khi rửa sạch để ráo nước, cắt sợi trộn với một ít gia vị như: bột ngọt, chanh, đường, mắm, ớt và một chút rau thơm. Tôm đất cỡ lớn, rửa sạch, hấp cách thủy cho vừa chín, bóc bỏ vỏ. Thịt ba rọi luộc chín, sau đó cắt miếng nhỏ. Khi ngó sen đã thấm đều gia vị thì người ta bắt đầu cho tôm và thịt vào trộn cùng, rắc thêm ít đậu phộng rang. Gỏi chua chua, ngọt ngọt, cay cay lại thêm độ dai và ngọt của tôm và thịt, khi ăn có thể chấm thêm một tí nước mắm pha sẵn là đủ vị.
● Cơm gói lá sen: Là một món cơm nấu bằng gạo huyết rồng cùng hạt sen hấp chín. Cơm hấp lá sen là một món được gói gọn gàng trong những chiếc lá sen, vừa đủ cho 2 đến 4 người ăn. Sự kết hợp hài hòa giữa tôm, hạt sen, cà rốt, đậu que, lạp xưởng, cộng thêm một chút gia vị… mang đến cho người ăn cảm giác thú vị và khó quên.
● Cá lóc nướng cuốn lá sen non: Biến tấu từ món cá lóc nướng trui, người dân Đồng Tháp Mười dùng thêm lá sen non tạo ra món ăn đặc sản với tên gọi mộc mạc là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.
Cá lóc tươi vừa bắt lên để nguyên con, sau khi nướng, cá được bổ đôi dọc sống lưng và rưới lên chút mỡ hành cùng một ít đậu phộng… Nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, vị cay của ớt. Cá lóc nướng trui ăn cùng lá sen non là ngon tuyệt. Khi thưởng thức, thực khách dùng lá sen non để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi, cá lóc… ăn kèm với nước chấm đã pha.
Khi ăn các đặc sản này, người Ðồng Tháp thường nhâm nhi vài ly Hồng Sen tửu. Ðây là một loại rượu duy nhất chỉ có ở Ðồng Tháp, rượu được ướp với cánh và nhụy hoa sen khoảng 6 - 8 tháng mới mang ra dùng, khi thưởng thức người ta không thể nào quên vị cay nồng của rượu đế, thoảng chút hương hoa sen làm ấm lòng người
Ngoài ra, kết thúc bữa ăn là tráng miệng bằng món chè sen nước cốt dừa có tác dụng nhuận trường làm thanh mát cơ thể hay món hạt sen luộc, hạt sen rang. Ðặc biệt, du khách còn có thể thưởng thức thêm sữa sen, một loại thức uống được bào chế từ sữa của hạt sen non kết hợp với sữa tươi nguyên chất, nước tinh khiết và đường. Loại thức uống này được làm lạnh trước khi uống nên có thể giải khát tức thời và giải nhiệt cơ thể về lâu dài.
Không chỉ nổi tiếng bởi các món ăn từ sen, Đồng Tháp còn có nhiều món ăn khác mà mỗi khi nhắc đến du khách không thể lẫn được với bất kỳ vùng miền nào khác
Đầu tiên phải kể đến đặc sản Hủ tiếu Sa Đéc: một món ăn dù nghe rất thông thường nhưng có chính hương vị không lẫn vào đâu được. Hương vị đó được tạo ra bởi sự hòa quyện của hai thành phần chính trong tô hủ tiếu là bánh hủ tiếu và nước lèo đậm đà. Hủ tiếu Sa Đéc được lợi thế là ngay địa phương có nghề làm bột gạo truyền thống với bề dày lịch sử hình thành khoảng 100 năm. Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương được dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh phở, hủ tiếu, bún ăn liền và được xuất khẩu ra nước ngoài từ trước năm 1975 đến nay. Chính vì thế cọng bánh hủ tiếu Sa Đéc vừa trắng mịn, ngọt, mềm mà không bở, không vị chua. Nước lèo nấu từ xương ống hầm kỹ và vớt bỏ lớp bọt liền tay để giữ cho nước dùng được trong. Có thể thêm vào nồi nước lèo vài con khô mực và tôm khô để nước lèo thêm ngon ngọt.
Bên cạnh đó hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng là do thành phần nguyên liệu rất đa dạng như: thịt, tim, gan heo, thịt bằm, tôm tươi, trứng cút… được sắp đầy đặn trên lớp bánh hủ tiếu, ăn kèm với đó là các loại rau thơm như cần tây, giá, hẹ, cùng vài cọng xà lách và rau thơm, đôi khi còn cho thêm tỏi ớt ngâm giấm để món ăn thêm tròn vị. Tất cả tạo nên một món ăn đầy chất dinh dưỡng, vừa có vị thơm ngon đậm đà lại có hình thức hài hòa bắt mắt.
Bánh tằm bì Sa Đéc: Nguyên liệu quan trọng nhất của món này chính là sợi bánh tằm vừa mềm vừa dai. Để có sợi bánh tằm như thế, người miền Tây đã tạo ra công thức pha bột của riêng mình. Sợi bánh tằm nhìn thì giống sợi bún nhưng khác ở cách chế biến, sợi bún được làm chín bằng nồi nước sôi, còn sợi bánh tằm được làm chín bằng hấp cách thủy.
Đĩa bánh tằm với sợi bánh to mềm, bên dưới là rau thơm, xà lách, giá, dưa leo, trên cùng là một ít bì, thịt xíu mại và nước cốt dừa… được ăn kèm với nước mắm chua ngọt. Một đĩa bánh tằm đủ hương, đủ vị bỗng khiến vị giác trở nên lâng lâng khi bụng đang cồn cào.
Ngoài ra Sa Đéc còn nổi tiếng với các món bánh dân gian Nam Bộ được làm từ bột Sa Đéc trứ danh như: bánh chuối, bánh lá mít, bánh ít trần, bánh tằm ngọt, bánh bò, bánh đúc, bánh tét, bánh xèo… Và cũng không thể không nhắc đến các món ngon mùa nước nổi của vùng đất này chỉ có từ tháng 9 đến tháng 11 với muôn vàn các đặc sản độc đáo chỉ có trong thời gian này:
● Cá linh bông điên điển: Cá linh và bông điên điển thường được người dân địa phương dùng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn như: bông điên điển xào tép, gỏi bông điên điển, cá linh nấu canh chua, cá linh kho… nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất chính là lẩu cá linh bông điên điển.
Cá linh có xương rất mềm, thịt ngọt, bụng lại có chút mỡ nên ăn rất ngon và béo. Ðặc biệt, bông điên điển đầu mùa cũng thơm, bùi và giòn hơn những thời điểm khác. Sự kết hợp của cá linh, bông điên điển và một ít me xanh nêm kèm với các loại gia vị sẽ đem lại một hương vị chua ngọt, thơm ngon, thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào có được. Ăn kèm với món ngon đặc sản nổi tiếng này là bông sung, bún tươi, cơm trắng, mắm ớt, và một số loại rau đặc trưng khác.
● Bông súng mắm kho: Món ăn rất đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà khi một ai đến vùng Đồng Tháp Mười được nếm thử đểu phải xuýt xoa, trầm trồ. Bởi vì trong món này có mặt gần như hầu hết sản vật thiên nhiên nơi đây, từ các loại cá, lươn,… kho với mắm cá sặc hoặc mắm cá linh, ăn kèm với các loại rau thiên nhiên như rau đắng, kèo nèo, tai tượng, rau choại,… đặc biệt là bông súng và hẹ nước là hai loại không thể thiếu.
● Các món ăn từ ếch đồng: Ếch vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon và hấp dẫn. Trong đó phải kể đến những món như: ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay cháo ếch… Chính vì thế, ếch đồng luôn là một trong những món ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi.
● Chuột đồng quay lu: Chuột đồng luôn đem lại cảm giác rợn rợn mỗi khi nhắc đến, nhưng đối với người dân Cao Lãnh nói riêng và người dân Đồng Tháp nói chung, chuột thật sự là một đặc sản. Chuột đồng quay lu Cao Lãnh là một món ăn mang đậm chất miền Tây tại Việt Nam. Với hương vị độc đáo của thịt chuột và cách chế biến đơn giản đã biến nó trở thành đặc sản nổi bật của chỉ riêng miền sông nước mà đặc trưng chỉ có ở xứ sở đất sen hồng. Để làm món này, các đầu bếp phải lựa chọn những chú chuột đồng đã ăn no, béo múp. Sau đó làm sạch, ướp gia vị khoảng 15 phút rồi cho vào lu để quay. Sau khi chín miếng thịt chuột có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và cực kì hấp dẫn.
Ngoài ra khi đến với vùng đất sen hồng Đồng Tháp du khách còn có thể mua những món đặc sản về làm quà cho người thân như: nem Lai Vung, quýt hồng Lai Vung, bánh phồng tôm Sa Giang, khô cá lóc Tràm Chim… Đó là những món đặc sản ngon và hấp dẫn, hy vọng sẽ giúp du khách dễ dàng tìm được những món ăn yêu thích khi có dịp đến tham quan vùng đất sen hồng Đồng Tháp này.