Đặc sản mãng cầu Bà Đen

Nhắc đến Tây Ninh, ngoài bánh tráng phơi sương, người ta còn nghĩ ngay đến mãng cầu Bà Đen. Gọi là mãng cầu Bà Đen bởi loại cây trái này được trồng nhiều dưới chân núi Bà Đen. Khu vực quanh núi Bà Đen được xem là “thủ phủ” của mãng cầu với hàng chục hecta đất chuyên canh. Không những vậy, mãng cầu ở đây còn được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hướng tới sản xuất hữu cơ (organic) nên có chất lượng và giá trị cao. 

Trái mãng cầu còn được gọi với tên là quả Na, là một loại quả được rất nhiều người yêu thích. Hiện tại trên thị trường Việt Nam, nổi tiếng nhất là mãng cầu Bà Đen.

Quả có đường kính trung bình khoảng 7,8 cm, trọng lượng khoảng 180 gram thuộc loại mãng cầu dai, nhiều thịt, ít hạt, vỏ mỏng và ngọt. Loại quả này có tỷ lệ cao về hàm lượng protein, đường, năng lượng (calories) với độ pH trung tính. Ngoài ra, thịt trái mãng cầu cũng có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, kẽm, magiê, mangan, sắt, canxi và nhiều loại vitamin như B1, C…

Thêm vào đó, trái mãng cầu Bà Đen được trồng trên khu vực xung quanh chân núi Bà Đen, nơi có thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt làm cho trái mãng cầu trở nên thơm ngon và hoàn toàn khác biệt so với những giống cùng loại trên thị trường. Điều lạ là, cùng một giống mãng cầu chiết ra từ cây mãng cầu Bà Đen nhưng trồng nơi khác thì cho trái không ngon, thịt không dai, độ ngọt không bằng so với trồng tại khu vực núi Bà Đen. Chính vì thế, mãng cầu Bà Đen Tây Ninh được xem là một đặc sản gắn liền với những giá trị văn hóa tín ngưỡng Phật giáo của vùng núi Bà Đen.

Đây cũng được xem là loại trái không thể thiếu trong mâm ngũ quả tết ở Nam Bộ. Mãng cầu đứng đầu trong mâm ngũ quả Tết của người dân Nam Bộ (cầu, thơm dừa, đủ, xoài). Năm loại quả này tượng trưng cho năm yếu tố Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Theo quan niệm từ xa xưa, vũ trụ và vạn vật được tạo ra từ năm yếu tố này. Người Việt chưng mâm ngũ quả trong ngày tết, như một cách tưởng nhớ tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với đấng tạo hóa. Với người Nam Bộ, mâm ngũ quả khi nói lái đi giống như “cầu thơm vừa đủ xài”. Đó là mong ước rất giản đơn của người dân Nam bộ, chỉ cầu mong một năm có cuộc sống no đủ.

Ngày nay, những người dân ở đây cũng đã biết chọn thời vụ canh tác, áp dụng kỹ thuật xử lý hoa nên đặc sản mãng cầu Bà Đen có trái gần như quanh năm, trở thành trái cây đặc trưng không phải nơi nào cũng có được.

Các xã ven chân núi Bà Đen và vùng phụ cận đã trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 5.000 ha. Việc hình thành các vùng chuyên canh vừa giúp phát triển nghề trồng mãng cầu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, vừa góp phần giải quyết được bài toán công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương.

Bên cạnh đó, mãng cầu Bà Đen cũng được hướng dẫn canh tác theo quy trình VietGAP. Trái chín sẽ không dư lượng thuốc, không bị sâu, trái to, đẹp về mẫu mã, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mãng cầu được canh tác theo quy trình hữu cơ vi sinh, hướng tới sản phẩm được chăm sóc là organic, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất, thuốc trừ sâu...Như vậy, với quy trình VietGAP, sản phẩm mãng cầu Bà Đen Tây Ninh sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn trước khi được xuất đi. Điều này đem đến yên tâm cho người sử dụng. Qua đó, giá trị của thương hiệu mãng Cầu Bà Đen Tây Ninh càng được nâng cao.

Với đặc điểm trái lớn, thịt dai, thơm ngon, bổ dưỡng, mãng cầu Bà Đen không chỉ được tiêu thụ tại các chợ và siêu thị lớn ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó tập trung ở những thành phố lớn (như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), mà còn được xuất khẩu sang các nước Campuchia, Malaysia, Canada, Pháp...

Nhờ nổi tiếng là đặc sản của địa phương, mãng cầu Bà Đen được bày bán rất nhiều quanh khu du lịch núi Bà Đen. Vì vậy, nếu có dịp du lịch đến Tây Ninh, đi thăm chùa Bà Đen hay leo núi, du khách có thể dễ dàng mua được loại quả này.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH