Di tích quốc gia đặc biệt – Căn cứ trung ương cục miền Nam

Tây Ninh là 1 trong 6 tỉnh miền Đông Nam bộ, có vị trí chiến lược vì vừa là cầu nối giữa Tp, Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh – Vương quốc Campuchia; vừa kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung bộ. Đây là điểm đến thường xuyên được du khách nước ngoài lựa chọn trong chuyến hành trình 1 ngày với 2 điểm đến nổi bậc nhất: Tòa thánh Cao đài Tây Ninh, Khu du lịch Núi Bà Đen. Ngoài ra, còn có một số điểm tham quan nổi tiếng khác: Hồ Dầu Tiếng, khu du lịch Ma Thiên Lãnh, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát,… Và đặc biệt là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đây là điểm đến tiêu biểu không chỉ đối với du khách trong nước và cả quốc tế.

Ra đời từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, do tình hình thực tế từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, Nam bộ cần có cơ quan lãnh đạo trực tiếp cho những nhiệm vụ mới. Ngày 23/01/1961, căn cứ Trung ương Cục miền Nam được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công làm Bí thư. Đây là cơ quan đầu não  khu vực phía Nam, nằm ở phía Bắc Tây Ninh và giáp biên giới Campuchia, phía Nam giáp căn cứ Dương Minh Châu, phía Đông giáp chiến khu A, phía Tây giáp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Căn cứ này luôn là mục tiêu hàng đầu phải tiêu diệt của địch, chúng thường xuyên mở những trận càn quét nhằm tiêu diệt sạch lực lượng chủ chốt của ta: hàng loạt pháo đài bay, lính nhảy dù, thả B52 tập kích trực tiếp vào căn cứ. Để bảo toàn lực lượng, nhiều cán bộ chủ chốt phải dời trận địa sang Campuchia, tìm nơi ẩn nấp.

Nổi bật nhất là đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc càn quét mang tên “Junction city” với 45.000 quân và vũ khí chiến tranh nhằm tiêu diệt căn cứ được chúng xem là “Thủ đô Việt Cộng”, qua 51 ngày đêm cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã thất bại, Trung ương cục được bảo vệ vững chắc đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng trong cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi hòa bình tạm thời lập lại, căn cứ Trung ương Cục sau hơn 10 năm cơ động chỗ đóng, ngày 04/02/1973 đã chính thức về nước, tiếp tục nhiệm vụ và ngày nay căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh trở thành di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Căn cứ hiện nay thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh 145km, là địa chỉ đỏ được nhiều cơ quan ban ngành quan tâm và lựa chọn trong các chuyến học tập, về nguồn.

Khu di tích nằm trên diện tích khoảng 70 ha trong khu rừng Rum Đuôn. Đến đây, du khách sẽ được tham quan các hạng mục: Phòng trưng bày với hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt trong chiến khu xưa, như bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, căn nhà lá của cố Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh, xe đạp của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt,… Rời nhà trưng bày, đi dọc theo con đường quanh co giữa khu rừng  rậm, hai bên đường sẽ thấy thấp thoáng: Nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ, lãnh đạo cao cấp như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Phạm Văn Bường, … Tất cả căn nhà ở đây đều làm bằng tre, gỗ và lợp mái bằng lá trung quân ( có tính dai, bền, khó mục và không dễ bắt lửa); Khám phá những hầm chữ A, nối với nhau bởi hệ thống giao thông liên hào  có chỗ dài hàng chục cây số xen kẽ như mạng nhện. Tham quan bếp Hoàng Cầm- bếp đặc trưng sử dụng trong kháng chiến bởi sự tiện lợi và khả năng ẩn dấu tai mắt của địch. Sau thời gian tham quan và tìm hiểu về lịch sử hoạt động tại căn cứ, du khách có thể thưởng thức bữa trưa dân dã với một số món ăn đã gắn liền với chiến khu nơi đây: cá khô lá bứa nấu chua, gà rừng, măng khô,…

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt, ngày 10/05/2012 Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây thích hợp cho những chuyến học tập, về nguồn vào dịp cuối tuần kết hợp tham quan khám phá khu rừng nguyên sinh phủ kín không gian chiến khu xưa, sẽ đưa du khách trở về hồi ức hào hùng trong những năm kháng chiến của các chiến sĩ, cán bộ lãnh đạo đã sống và chiến đấu quên mình vì một miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH