Tây Nguyên
Điểm danh những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nói đến Thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ nghĩ ngay đến một thành phố phát triển bậc nhất cả nước với những tòa nhà cao tầng và kiến trúc hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều công trình tâm linh và những ngôi chùa nổi tiếng. Hãy cùng Du lịch Hòa Bình Việt Nam điểm danh những ngôi chùa nổi tiếng ở Tp.HCM qua bài viết sau:
1. Chùa Ngọc Hoàng
Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, phường Đa kao, quận 1
Chùa Ngọc Hoàng còn có tên gọi là chùa Phước Hải. Đây là một ngôi chùa cổ có vị trí gần trung tâm thành phố nổi tiếng linh thiêng và có kiến trúc độc đáo.
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, bởi một người Trung Quốc tế là Lưu Minh, tự Lưu Đạo Nguyên. Ban đầu, đây là ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sau này, vào năm 1982, ngôi chùa được tiếp quản bởi hòa thượng Thích Vĩnh Khương và chính thức thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Cổng tam quan được trang trí bằng hình tượng lưỡng long tranh châu sống động và đẹp mắt. Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2 bao phủ bởi bóng cây xanh mát. Khuôn viên chùa nối liền cổng tam quan vào bái đường.
Bước vào bên trong chùa, chắc hẳn bạn sẽ trầm trồ trước kiến trúc cổ xưa trang nghiêm và độc đáo. Toàn bộ kiến trúc thờ tự của chùa Ngọc Hoàng chia thành ba gian. Gian bên trái gồm ba điện thờ: điện thứ nhất thờ Nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế; Điện thứ hai thờ Thập điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tái hiện 10 cửa địa ngục, phân bố đều mỗi bên 5 bức; Điện thứ ba thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ. Gian bên phải gồm nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà cùng bài vị những vị quá cố. Trong điện thờ Phật Bà có cầu thang gỗ dẫn lên điện Quán Âm. Điện Quán Âm là nơi thờ Quán Âm Bồ Tát Đạt Ma Tổ Sư, Quan Thánh Đế Quân, thần Hộ pháp và tổ Lưu Minh. Gian giữa là gian lớn nhất gồm tiền điện, trung điện và chánh điện.Tiền điện thờ Thổ Địa bên trái và thần Môn Quan bên phải. Trung điện thờ Phật Dược Sư, tượng Phật bằng gỗ trần được đặt trang trọng trong lồng kính, hai bên có tượng Thanh Long Đại Tướng và Phục Hổ Đại Tướng làm bằng giấy bồi với kích thước to bằng người thật. Ban thờ chính trong chánh điện thờ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và các thiên binh thiên tướng. Tượng Ngọc Hoàng làm bằng giấy bồi, cao hơn 3m ngồi trên bệ cao gần 1m, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm lệnh tiễn. Đây là pho tượng lớn nhất trong chùa, tượng Ngọc Hoàng được sơn son thếp vàng và trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Những pho tượng thờ bằng giấy bồi với kích thước lớn là nét độc đáo và ấn tượng nhất tại ngôi chùa cổ xưa này. Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.
Chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng được du khách thập phương thường xuyên đến chiêm bái và cầu nguyện. Đây cũng là địa điểm tham quan rất thu hút đối với du khách nước ngoài. Chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa duy nhất Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đã đến thăm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông vào năm 2016.
2. Chùa Vĩnh Nghiêm
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành năm 1971 với diện tích hơn 6000m2. Mặc dù tọa lạc tại vị trí trung tâm thành phố nhưng chùa vẫn mang nét thanh tịnh và yên bình cùng không khí trang nghiêm của một kiến trúc tâm linh nổi tiếng. Chùa Vĩnh Nghiêm do hai vị nhà sư là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm đã cho xây dựng. Hai ngài là những nhà sư từ miền Bắc vào miền Nam truyền đạo. Chùa Vĩnh Nghiêm được lấy nguyên mẫu từ ngôi chùa cùng tên ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Bản vẽ của chùa được thực hiện bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một kiến trúc giao thoa giữa cổ điển và hiện đại với kiến trúc chùa cổ miền Bắc Việt Nam được xây dựng bằng kỹ thuật và vật liệu hiện đại. Tổng thể kiến trúc chùa gồm: Cổng tam quan là một kiến trúc đồ sộ theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong. Hai bên cổng chùa là hai câu đối được chạm trổ tinh tế, phía trên là dòng chữ “Chùa Vĩnh Nghiêm” đầy trang nghiêm. Tòa nhà trung tâm gồm 1 tầng lầu và 1 tầng trệt. Tầng lầu của tòa trung tâm bao gồm sân thượng, Phật điện và Tháp Quan Thế Âm. Phật điện gồm Bái Điện nguy nga dài 35m, rộng 22m và cao 15m. Chính giữa điện là bàn thờ Phật Thích Ca, bên trái có Bồ Tát Văn Thù và bên phải là Bồ Tát Phổ Hiền. Các công trình trạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước Châu Á. Ở hàng hiên hai bên lối vào, mỗi bên có một pho tượng Kim Cang khá lớn. Phía trước tòa nhà trung tâm là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng rất lớn với gương mặt hiền từ, nơi mọi vị khách đến chùa đều dừng lại chiêm bái và cầu nguyện.Tháp Quan Âm cao hơn 40m với 7 tầng rất uy nghi, trên đỉnh tháp có 9 bánh gọi là Long xa và Quy châu. Tháp đá Vĩnh Nghiêm nằm ở bên phải tính từ cổng Tam quan vào. Tháp đá được xây dựng vào năm 2013 để tưởng nhớ 2 vị đã có công xây dựng nên ngôi chùa. Đây là công trình tháp đá lớn nhất Việt Nam với độ cao lên đến 14m. Tháp Xá Lợi cộng đồng nằm ở bên trái tính từ cổng Tam quan vào. Tháp Xá Lợi là nơi lưu giữ tro cốt của những người đã mất được gửi tại chùa.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có quả Đại hồng chung có tên là "Chuông Hòa bình" thì do chùa Entsuin (Viên Thông viện), huyện Fukushima thuộc Giáo hội Phật giáo Nhật Bản cung tiến.
Chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng thu hút Phật tử và nhà hảo tâm nhiều nơi cùng chung tay góp sức.
3. Việt Nam Quốc Tự
Địa chỉ: 242-244 đường Ba tháng hai , phường 12, Quận 10.
Chùa được thi công xây dựng năm 1964. Năm 1993, chùa được trùng tu và tôn tạo mới với nhiều hạng mục. Năm 2014, Việt Nam Quốc Tự được xây dựng mới hoàn toàn và khánh thành vào tháng 11 năm 2017 với kiến trúc kiên cố, khang trang. Chùa được xây dựng theo kiến trúc thiết kế chùa cổ miền Bắc với màu vàng làm chủ chủ đạo và mái ngói vảy màu đỏ nâu. Mái chùa xây dựng nhiều tầng, đầu mái công vuốt hình đầu đao, được điêu khắc đầu rồng rất tinh xảo. Kiến trúc tổng thể của ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự trên khuôn viên 3.700 m2 bao gồm cổng tam quan, ngôi Chính điện, Tháp bảo 13 tầng, viện Đại học Phương Nam, cô nhi viện Quách Thị Trang và các điện thờ, tượng Phật trong khuôn viên sân chùa.
Việt Nam Quốc Tự là một ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc đồ sộ và kiên cố. Trong đó, bảo tháp 13 tầng là công trình nổi bật, được biết đến là bảo tháp cao nhất lên đến 13 tầng, cao 63m. Đỉnh tháp được đúc bằng đồng nguyên khối do nhóm thợ làng đúc đồng huyện Ý Yên, Nam Định thực hiện. Bảo tháp 13 tầng mang ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia thành lập Giáo hội PGVN Thống nhất và cuộc vận động Phật giáo miền Nam năm 1963. Đồng thời, bảo tháp cũng là nơi cất giữ và tôn thờ xá lợi trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức.
Chánh điện của chùa là một công trình nguy nga và tráng lệ. Trần nhà được trang trí bằng hệ thống đèn thiết kế hình hoa sen rất sang trọng. Sàn chánh điện được lát đá hoa cương sáng bóng, phản chiếu ánh vàng từ đèn tạo nên không gian lung linh, huyền ảo. Chánh điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 35 tấn, cao 7,5 mét rất uy nghiêm được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm.
Hiện tại, chùa Việt Nam Quốc Tự có diện tích 11.000 mét vuông, là một ngôi chùa uy nghi, nổi tiếng và là trung tâm văn hóa, hành chính của giáo hội Phật giáo nước ta.
4. Chùa Phổ Quang
Địa chỉ: 64/3 Huỳnh Lan Khanh, Phường 2, quận Tân Bình.
Chùa Phổ Quang là một ngôi chùa khá lâu đời và có sự đóng góp lớn trong nền Phật giáo của TP. Hồ Chí Minh. Chùa Phổ Quang được xây dựng lần đầu vào năm 1951. Sau nhiều lần trùng tu, chùa được kết hợp thêm kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên bên trong chùa vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm với những cột trụ đồ sộ được chạm trổ hoa văn tinh tế thời nhà Lý.
Tổng thể kiến trúc chùa theo thiết kế những ngôi chùa truyền thống của Việt Nam. Mái chùa nhiều tầng, lợp bằng ngói vảy truyền thống. Tổng quan tòa đại điện cao 3 tầng 12 mái, phía sau có lầu tháp nhỏ 2 tầng. Đặc biệt khuôn viên chùa rộng lớn, trồng nhiều cây xanh, giúp đem lại khung cảnh tươi mát, yên bình cho người đến vãn cảnh chùa. Bên trong điện thờ tượng Phật Thích Ca, Phật Quan Thế Âm và nhiều vị phật khác dưới nhiều hình thái khác nhau. Chính giữa đại điện là tượng Phật Thích Ca cao 7 mét, mạ vàng rất uy nghiêm. Trong khuôn viên chùa là Điện Quan Âm được thiết kế theo hình dáng ngọn núi hùng vĩ, trang trí nhiều tượng rồng rất uy nghiêm. Đây là nơi thờ Quán Thế Âm Bồ Tát.
5. Chùa Bửu Long
Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, P. Long Bình, Quận 9 (hiện nay là Tp.Thủ Đức)
Chùa Bửu Long có tên chính thức là Tổ đình Bửu Long, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1942, sau đó được trùng tu, sửa chữa qua các năm từ 2007 – 2011. Chùa có kiến trúc Thái Lan với thiết kế cầu kỳ đẹp mắt. Chùa Bửu Long đã được tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn là một trong 10 công trình Phật Giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới. Bảo tháp Gotama Cetiya, bảo tháp chính của chùa, là bảo tháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 56m cùng bốn tháp phụ xung quanh, được xây dựng theo lối kiến trúc cung điện với màu trắng chủ đạo, phối cùng màu vàng rực rỡ ở phần chóp của kiến trúc chùa Thái Lan. Chùa có các khu vực chính gồm: chánh điện, tăng xá, trai đường, khách đường, tổ đường, thiền thất của chư Tăng, ni viện, ni xá và am thất của Tu nữ, tịnh nhân. Kiến trúc chùa được sư thầy Viên Minh đưa ý tưởng thiết kế theo lối Phật giáo nguyên thủy có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ với nhiều chi tiết chạm khắc tỉ mỉ với hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Chùa cũng được kết hợp nét kiến trúc chùa chiền đặc biệt phổ biến ở Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Việt Nam tạo nên một tổng thể hài hòa, tráng lệ.
Không gian xung quanh chùa được bao phủ bởi những bóng cây xanh mát, phía trước chùa là một nước màu xanh biếc rất đẹp.Chùa Bửu Long không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo và đẹp mắt thu hút du khách thập phương thường xuyên đến chiêm bái.
6. Chùa Bà Thiên Hậu
Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận
Chùa Bà Thiên Hậu là một ngôi chùa cổ đã hình thành hơn 250 năm với kiến trúc Trung Hoa đặc trưng. Chùa xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa, gồm tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.
Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc "tứ linh".
Chùa có gắn các tượng tròn, phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường... do 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908. Tiền điện là nơi thờ : Phúc Đức Chánh thần ( bên phải) và Môn Quan Vương Tả (bên trái). Tại đây có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước. Trung điện đặt bộ lư có năm món (ngũ sự) đúc năm Quang Tự thứ 12 (1886). Chính điện, được gọi là Thiên hậu Cung, gian giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa Nương Nương (phía bên phải) và Long Mẫu Nương Nương (phía bên trái). Chính điện chùa còn 2 đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10. Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 4 lư hương đồng, 1 lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi... Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và nơi quy tụ, tương trợ lẫn nhau của người Hoa (Quảng Đông).
Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày năm 1993.
7. Chùa Ấn Độ
Địa chỉ: 45 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1
Chùa Ấn Độ không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng đối với du khách trong nước mà còn thu hút đông đảo khách nước ngoài đến tham quan và chiêm ngưỡng. Chùa Ấn Độ, do những người Ấn Độ di đến Việt Nam sống tập trung ở gần khu vực này xây dựng vào năm 1885. Chùa Ấn Độ là ngôi đền thờ nữ thần Mariamman, một hóa thân của thần Shiva (thần Hủy Diệt) trong Hindu giáo. Nữ thần Mariamman là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui. Phía bên trong đền, ở 3 mặt tường xung quanh đền có 18 tượng của 18 vị thần, họ đều là hóa thân của thần Siva. Ngay lối vào là điện chính thờ nữ thần Mariamman, cạnh đó là hai điện phụ thờ hai vị thần bảo vệ. Khu vực này được rào chắn vì là nơi linh thiêng nên chỉ có người phụ trách cúng lễ mới được vào đây.
Ở vị trí chính giữa trên tầng cao của điện chính là tượng nữ thần Mariamman với gương mặt đỏ hung. Đôi khi tượng bà có nhiều tay thể hiện cho sức mạnh, trong đó có một tay cầm đinh ba, một tay bưng chén cơm. Quanh chùa còn nhiều tượng bà Mariamman đủ kích thước cùng tượng, tranh ảnh của những vị thần khác trong Hindu giáo. Lúc đầu, đền được xây dựng chỉ dành riêng cho người Ấn ở Sài Gòn nhưng về sau mở cửa rộng rãi cho tất cả mọi người. Sau khi thắp hương ở điện chính, nhiều tín hữu sẽ ra phía sau úp mặt vào vách đá cầu nguyện. Những phiến đá này có nguồn gốc từ vùng núi cao Nam Ấn, được đưa về và tạo khắc trong khu đền. Ngọn tháp bên ngoài có tổng cộng 228 bức tượng các thần Hindu, được thực hiện bởi các nhà điêu khắc Ấn Độ. Tác phẩm tái hiện lại những tình tiết ấn tượng trong sử thi Ramayana.
8. Chùa Xá Lợi
Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3
Chùa Xá Lợi là một trong những ngôi chùa đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng với lối kiến trúc hoàn toàn mới. Trên Bái đường, dưới Giảng đường và nóc Chính điện có những đầu mái uốn cong truyền thống.
Chùa Xá Lợi là ngôi chùa có dấu chứng lịch sử về cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Nhiệm.
Ngôi chùa này được xây dựng mục đích để tôn thờ Xá Lợi của Phật tổ và làm hội quán chính thức cho hội Phật học việt Nam. Ngoài ra, tại nơi đây còn có tháp chuông cao nhất gồm 7 tầng, mỗi tầng được thờ một vị Phật và cao 32m. Đặc biệt là trên tầng cao nhất có treo một đại hồng chuông nặng 2 tấn.
9. Chùa Hoằng Pháp
Địa chỉ: 196 đường Lê Lợi, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Tp. Hồ Chí Minh
Chùa Hoằng Pháp là ngôi chùa rất nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh. Chùa được sáng lập vào năm 1957 và đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Kiến trúc của cổng chùa là sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại với những đường cong được cách điệu có phần góc cạnh hơn những cổng chùa truyền thống. Phía trên mái cổng chùa Hoằng Pháp có hai tầng được lợp bằng ngói đỏ. Mỗi đầu đao được uốn cong mềm mại. Đi qua cổng chùa là bạn sẽ tới khu vực khuôn viên chùa Hoằng Pháp. Các chậu cây xanh được trang trí dọc hai bên khuôn viên tạo ra không gian mát mẻ và thanh bình cho ngôi chùa. Chánh điện chùa Hoằng Pháp có chiều dài 42m, chiều ngang 18m. Tổng diện tích chùa là 756m2 và được xây dựng theo lối kiến trúc chữ “công”. Tòa chánh điện có mái ngói được sơn đỏ tươi vô cùng nổi bật. Chùa Hoằng Pháp có kiến trúc 2 tầng và 8 mái với hệ thống cột mái, cột trần vô cùng kiên cố. Hai bên bậc tam cấp là tượng sư tử vàng rất uy nghiêm. Ở giữa là đỉnh đồng được chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ. Toàn bộ cánh cửa, bao lam và án thờ trong chùa Hoằng Pháp được làm toàn bộ từ gỗ quý. Đối diện với chánh điện chùa Hoằng Pháp là tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền dưới gốc cây bồ đề. Phía bên trái chánh điện là Tháp Nhị Nghiêm. Phía bên phải chánh điện là Hòn non bộ rộng hơn 20m và cao 10m nằm bên trên một hồ nước. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 5m được làm từ cẩm thạch tọa lạc giữa hồ. Tiếp đó là tháp Phổ Độ - nơi để tro cốt của thập phương bá tánh.
Chùa Hoằng Pháp là nơi tổ chức rất nhiều khóa tu hàng năm. Các khóa tu tại chùa luôn thu hút nhiều Phật tử tứ phương, thu hút hàng nghìn người tham dự.
10. Chùa Giác Lâm
Địa chỉ: 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình.
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.
Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Chùa đã được trùng tu lớn ba lần vào năm 1798–1804., năm 1906–1909 và đầu năm 1999, chùa hoàn thành đợt trùng tu lần thứ ba. Chùa Giác Lâm hiện nay có lối kiến trúc chữ Tam gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau (không kể các nhà phụ) gồm: Chính điện, giảng đường, hà trai (còn gọi là nhà Ông Giám). Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Khu Tam Bảo bao gồm chánh điện, trai đường và giảng đường, bố cục trên một mặt bằng hình chữ nhật, chiều rộng 22m, chiều dài 65m, xây trên nền cao khoảng 1m so với vườn chùa. Trước chánh điện có sân hình chữ nhật, ngang 20m, rộng 10m.
Trước sân là sân vườn, có miếu nhỏ đặt tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá màu. Đặc biệt ở sân vườn có cây bồ đề cao lớn do ngài Narada (Srilanka) tặng. Ngài Narada đã cùng Hòa thượng Hồng Từ và Sư Bửu Chơn đích thân trồng cây bồ đề tại đây vào ngày 24-6-1953. Trước chùa là bảo tháp xá lợi gồm 7 tầng hình lục giác. Tầng dưới cùng của bảo tháp là nơi thờ Di Đà Tam Tôn, các tầng kế trên đặt thờ nhiều tượng Phật, Bồ Tát như : Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Dược Sư, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Chuẩn Đề, Bồ Tát Di Lặc … Tầng thứ 7 trang trí chùm đèn Cửu Long là tháp thờ Xá Lợi Đức Phật Thích Ca.
Chùa Giác Lâm là một ngôi chùa cổ kính và nổi tiếng tại Tp.Hồ Chí Minh. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào năm 1988.