Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – nơi thời gian lắng động

Những ai đã biết đến tác phẩm “Người tình” của nữ văn hào người Pháp Magueritte Duras hay đã từng xem qua bộ phim cùng tên L’Amant (Người tình) thì khi có dip du lịch đến Đồng Tháp sẽ không thể nào bỏ qua 1 địa điểm tham quan gắn liền với lịch sử và có kiến trúc độc đáo bậc nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long đó là Nhà Cổ Huỳnh Thủy Lê.

Mặt trước nhà cổ

Tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là di tích quốc gia năm 2009. Ngôi nhà cổ này gắn liền với câu chuyện tình giữa nữ văn hào người Pháp và người tình của bà là ông Huỳnh Thủy Lê. Năm 1929 trên chuyến phà Mỹ Thuận từ Vĩnh Long qua Sa Đéc, cuộc gặp gỡ định mệnh đã mở ra một mối tình đẹp nhưng dang dở bởi định kiến và sự môn đăng hộ đối giữa hai gia đình. Cha của Huỳnh Thủy Lê, ông Huỳnh Cẩm Thuận vốn là một thương gia người Hoa giàu có nức tiếng với nhiều vựa gạo khổng lồ, đất đai ruộng vườn cò bay thẳng cánh, nhà cửa bất động sản khắp vùng Sa Đéc và Gia Định; trong khi Magueritte Duras xuất thân từ một gia đình nhà giáo trí thức, có cha là giáo sư toán, mẹ là giáo viên tiểu học và là hiệu trưởng của trường Pháp tại Sa Đéc. Khi biết chuyện chàng thiếu gia họ Huỳnh yêu cô gái người Pháp thì ông Huỳnh Cẩm Thuận đã can ngăn, cấm cản. Mối tình giữa một thiếu nữ Pháp “đại quốc” với chàng thanh niên gốc bản xứ của một nước thuộc địa đã chấm dứt một câu chuyện tình đẹp lãng mạn; nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng trở thành nơi chứng nhân cho mối tình dang dở và trở thành địa danh nổi tiếng của Sa Đéc đến ngày nay.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng vào năm 1895 với vật liệu chính là gỗ, ở gần bờ sông nơi giao thương sầm uất theo tiêu chí “Nhất cận thị nhì cận giang”, năm 1917 chủ nhân trùng tu lại với tường bằng gạch bao lấy khung gỗ để tăng tính chịu lực. Sau khi ông mất năm 1972 vợ con ông ra nước ngoài định cư, ngôi nhà bỏ trống, sau đó được trưng dụng làm cơ quan chính quyền, đến năm 2007 được đưa vào khai thác du lịch.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê thoạt nhìn như 1 biệt thự kiểu Pháp, phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muôn của thế kỷ 17. Bên trong nhà chia làm 3 gian kiểu Việt hòa hợp với trang trí đậm màu sắc Trung Hoa, đặc biệt nền nhà được làm trũng về phía trung tâm theo phong thủy của người Hoa với ý nghĩa tụ tài hay “nước chảy về chỗ trũng”. Các bao lơn, cánh cửa, cột nhà, bàn thờ... được trạm trổ tinh xảo với rồng, phượng, tùng, cúc, mai. Những món đồ dùng xa xỉ có tuổi đời cả trăm năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn như đồng hồ, gương, kính màu, đèn trần, máy nghe nhạc…  tất cả thể hiện sự giàu có và quyền uy của gia tộc họ Huỳnh.


Gian nhà chính

Trải qua hơn một thế kỷ, hiện nay nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến tỉnh Đồng Tháp. Đa số du khách nước ngoài tới đây đều biết đến ngôi nhà này qua cuốn tiểu thuyết “Người tình” hay bộ phim cùng tên. Họ tới đây không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà mà còn để cảm nhận được sức sống mãnh liệt từ câu chuyện tình lãng mạn, ngắn ngủi nhưng bất diệt ấy.

Có dịp đi du lịch Đồng Tháp, ghé tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, ngồi thưởng thức tách trà sen thơm được nghe kể nhiều giai thoại về gia đình họ Huỳnh cùng câu chuyện tình lãng mạn trong không gian nhỏ của ngôi nhà cổ, sẽ gợi cho du khách dễ liên tưởng về một góc ký ức đầy thổn thức nhưng dịu dàng, như tiếng thở của miền sông nước qua thời gian.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH