Tây Nguyên
Thành phố Hồ Chí Minh – nơi hội tụ ẩm thực ba miền
Nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Sài Gòn
Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu được xem là nơi “đất lành, chim đậu”. Sự sầm uất, nhộn nhịp và phát triển của Sài Gòn xưa hay thành phố Hồ Chí Minh nay đã thu hút những người dân từ mọi miền đổ về. Họ đến và mang theo những công thức đặc biệt về món ăn địa phương nơi họ sinh ra. Tuy đều mang màu sắc của ẩm thực Việt Nam nhưng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều có những món ăn đặc trưng riêng. Sự khác biệt giữa phong tục, tập quán, lối sống cũng như nguồn nguyên liệu mà từ đó mỗi vùng miền lại có cách thể hiện khác nhau, góp phần làm lên sự đa dạng trong nền ẩm thực Việt.
Được xem là trung tâm ẩm thực cho cả khu vực Đông Nam Bộ và là điểm giao thoa giữa bắc - nam, đông - tây, từ những năm của thế kỷ 18 cho đến nay, khu vực Hòn ngọc Viễn Đông đã đón nhận những luồng văn hóa ẩm thực từ các nước như Trung Quốc, Ẩn Độ, Pháp, Mỹ, Nhật, Úc,... Do đó, chỉ cần đến với mảnh đất Sài Gòn, thực khách đã có thể trải nghiệm gần như toàn bộ nền ẩm thực trên cả ba miền Tổ quốc. Mỗi món ăn không chỉ là thưởng thức sắc hương vị, mà còn là trải nghiệm cả một nền văn hóa.
Ẩm thực miền Bắc
“Ăn Bắc, mặc Nam”, không biết từ bao giờ thành ngữ ấy trở thành câu nói cửa miệng của người Việt. Theo dòng thời gian, với sự di cư của dòng người miền Bắc, các món ăn xứ Bắc đã lan tỏa ra khắp cả nước. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều quán ăn chuyên món Bắc xuất hiện trên khắp các cung đường ở Sài Gòn.
Nếu đã từng thử qua những món ăn miền Bắc bạn sẽ thấy được đặc trưng trong ẩm thực miền này đó là các món ăn có vị vừa phải, vừa thanh đạm, nhẹ nhàng, không quá nhạt mà cũng không quá mặn, hoàn toàn vừa phải. Bên cạnh đó còn điểm chút vị chua nhẹ cho những ngày hè nóng bức, không đậm vị cay, ngọt hay béo.
Khu vực quận Tân Bình là nơi tập trung nhiều người Bắc sinh sống nhất ở Sài Gòn. Đến đây, bạn có thể tìm thấy gần như đầy đủ các món ăn đặc trưng và mang đậm hương vị của người Bắc. Nhiều nhất phải kể đến là các quán phở tại các con đường như Yên Thế, Hồng Hà, Cửu Long, Tiền Giang,…Tọa lạc ngay giữa trung tâm quận 3, đường Võ Văn Tần cũng là một địa chỉ quen thuộc cho những người mê đồ ăn Bắc. Món ăn nổi tiếng nhất ở khu vực này phải kể đến là bún cá rô đồng, một món ăn ngon miệng có nguồn gốc từ vùng đất Hải Dương. Hay nhắc đến khu vực Phạm Văn Hai – nơi được bao bọc bởi các con đường Phạm Văn Hai, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tuyển, Đặng Văn Ngữ, người dân thành phố sẽ nghĩ ngay đến khu vực tập trung nhiều hàng quán bán món Bắc nổi tiếng, nơi đây từ rất lâu đã trở thành địa chỉ cho những người muốn tìm một món ăn đậm vị Bắc.
Ngoài ra ở Sài Gòn cũng còn khá nhiều khu vực bán món Bắc nổi tiếng như đường Hải Triều (quận 1) với các món bún thang, phở, cháo xôi,... đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) với món nem cua bể nổi tiếng.
Ẩm thực miền Trung
Người miền Trung luôn hiểu được sự quý giá của sức lao động và giá trị của các sản vật mà họ đã cần mẫn làm nên. Vì thế, chính sự trân quý từng món sản vật ấy mà văn hóa ẩm thực nơi đây có chiều sâu riêng biệt. Mỗi vùng một đặc sản mang một hương vị riêng không pha trộn với bất kỳ nơi nào khác.
Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính cung đình, vùng đất Trung bộ cũng có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, có ẩm thực sang trọng nhưng cũng có ẩm thực đường phố, không hề kém cạnh. Tại tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Bình Định bạn sẽ thấy các loại tôm chua, mắm ruốc khá phổ biến. Không chỉ vậy, có một điểm độc đáo chính là màu sắc được phối trộn khá rực rỡ và thiên về các màu nóng như đỏ, nâu sậm.
Nếu bạn là người miền Trung hay đang muốn thưởng thức những món ăn đậm hương vị đất Quảng thì hãy ghé đến chợ bà Hoa địa chỉ ở quận Tân Bình. Đến đây, du khách sẽ không khỏi bất ngờ trước sự đa dạng của các món đặc sản thơm ngon, hấp dẫn. Nằm trên con đường Trần Mai Ninh (quận Tân Bình), chợ phường 11 được người dân gọi bằng cái tên quen thuộc là chợ Bà Hoa, theo tên người di cư vào Nam năm 1954, có công mua đất, thành lập chợ trong những năm 70 của thế kỷ trước. Người dân Sài Gòn mỗi khi cần tìm các sản vật miền Trung lại tìm đến chợ Bà Hoa để nghe chất giọng rặt xứ Quảng và mua những món hàng dân dã mà chỉ nơi đây bán.
Tại đây, hầu hết các sạp đều bày bán thực phẩm, đặc sản ẩm thực miền Trung. Thực khách dễ dàng tìm mua các món như mì Quảng, bún bò Huế, bánh xu xuê, kẹo mạch nha, bánh thuần, cao lầu, bánh in, bánh tráng dừa…mang đậm hương vị quê hương.
Ẩm thực Sài Gòn – Nam bộ
Nếu như những món ăn ở miền Bắc nhạt thanh, miền Trung đậm đà, thì ẩm thực miền Nam lại đem đến một sự kết hợp hài hòa từ đủ hương vị ngọt, béo, tươi, mát bởi nơi đây chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc. Ẩm thực Nam Bộ mang nét phóng khoáng và hoang dã bởi chính thiên nhiên trù phú và hào phóng của miền sông nước phương Nam.
Cũng giống như miền Bắc, ẩm thực Nam bộ cũng sử dụng nhiều sản vật nước mặn và nước lợ. Đặc biệt là những món ăn dân dã được ưa chuộng rất nhiều như dơi quạ hấp chao, đuông dừa, cá lóc nướng trui, chuột đồng khìa nước dừa,...
Ai ở Sài Gòn mà không mê các món ăn miền Nam thân thuộc. Các hệ thống nhà hàng, quán ăn nổi tiếng chuyên về các món Nam có thể kể đến như MeKong Kitchen, Út Cà Mau, quán Bụi, lẩu bò Sài Gòn Vivu, Làng nướng Nam bộ,…và còn rất nhiều các quán ăn nhỏ, bình dân khác có mặt khắp các con phố, ngõ hẻm tại Sài Gòn đều có thể mang đến cho thực khách hương vị của miền Nam Tổ quốc.
Có thể nói ẩm thực 3 miền đều mang những nét đặc trưng riêng gắn liền với văn hóa, cuộc sống của người dân. Mỗi món ăn của từng địa phương khi đến Sài Gòn đều được biến hóa để phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và thói quen của cư dân tại đây, và chính sự hội nhập đó đã tạo nên cho nơi này một bản sắc riêng, một Thành phố Hồ Chí Minh – nơi hội tụ ẩm thực ba miền của Tổ quốc.