Miền Nam
Theo dấu chân biệt động Sài Gòn
“Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” là một trong những sản phẩm được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, là sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo chỉ riêng có của Sài Gòn - TP.HCM.
Chùm tour đặc biệt tại Tp.Hồ Chí Minh
Sài Gòn - TP.HCM là mảnh đất có nhiều di sản, di tích lịch sử độc đáo gắn với lịch sử hình thành và phát triển không chỉ của thành phố mà còn gắn với lịch sử hào hùng của Việt Nam; trong đó phương thức liên lạc, cách thức hoạt động và các căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn với hệ thống hầm nổi, địa đạo chứa người và vũ khí ngay trong lòng đô thị là những nét độc đáo chỉ riêng có tại Sài Gòn. Hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn là một trong những nét độc đáo, thú vị, hấp dẫn sự chú ý của du khách trong và ngoài nước khi tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn – TP.HCM.
Ngày 29/4/2020, hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tour du lịch đặc biệt “Theo dấu ấn Biệt động Sài Gòn” đã ra mắt với 16 vị khách đầu tiên mang đến những trải nghiệm khó quên.Những vị khách đầu tiên được trải nghiệm như một chiến sĩ lực lượng Biệt động Sài Gòn với các hoạt động: cải trang thành "biệt động", đi trên các chiếc ôtô và xe máy cổ; được ăn - nghỉ tại các điểm mà các Biệt động Sài gòn thường hay tập kết, được "chui" hầm như một chiến sĩ thực thụ và những trải nghiệm bất ngờ như một số hoạt động của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Đoàn khách đầu tiên còn được trải nghiệm phương tiện di chuyển giữa các điểm đến là các loại xe được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trước đây từng sử dụng như xe Honda 67, Honda dame, ôtô cổ.
Lịch trình “Theo dấu biệt động Sài Gòn”
Lịch trình “Theo dấu biệt động Sài Gòn” gồm những địa điểm có ý nghĩa lịch sử sâu sắc như:
Căn cứ của lực lượng biệt động Sài Gòn: cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ (thường được gọi với cái tên gần gũi là cà phê Vợt) tại số 113A Đặng Dung, quận 1.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Đây là một trong nhiều những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Căn nhà được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, những “cộng sự” của ông Năm Lai quản lý. Bề ngoài, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán buôn, nhưng thực chất là để nuôi giấu cán bộ, cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây ra chiến khu, qua đường các nước bạn, chuyển tiếp ra miền Bắc,…
Hơn 20 năm qua, ông Trần Vũ Bình, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan VKSND Tối cao tại TP.HCM, cũng là 1 trong 6 người con của ông Năm Lai, vẫn âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật của cha, của Biệt động Sài Gòn.Ông tự mày mò phục dựng nguyên bản từng căn hầm bí mật, từng hiện vật để làm di tích lịch sử chứng minh được nhiều khốc liệt của cuộc chiến tranh xưa, bên trong vẫn còn nguyên bản 2 căn hầm chìm và nổi, 2 hộp thư, 2 phía lan can cảnh giới trước - sau, tầng áp mái bí mật, cùng rất nhiều những đồ dùng của người Sài Gòn xưa, đặc biệt là của vợ chồng ông Đỗ Miễn, những người đã góp công to lớn cho Cách mạng.
Không gian quán theo phong cách Sài Gòn xưa, khách đến quán còn được tận mắt nhìn thấy cấu trúc những căn hầm độc đáo của lực lượng “huyền thoại”.
Di tích Lịch sử quốc gia tại địa chỉ 287/2 Võ Văn Tần - nơi cất giấu vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Căn hầm trong ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM từng là nơi cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn, chứa gần 2 tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Theo Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, cuối năm 1965, ông Trần Văn Lai (hay còn gọi ông Năm Lai) vừa làm việc tại Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM, vừa hoạt động bí mật trong đơn vị “bảo đảm” của Biệt động Sài Gòn. Theo chỉ đạo của cấp trên, ông đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Năm đào căn hầm bí mật. Để tránh bị phát hiện, đất sau khi đào được bỏ vào thùng carton chuyển lên ô tô.Sau 7 tháng, căn hầm được hoàn thành với kích thước dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm và có các lỗ thông khí. Miệng hầm được đặt gần cầu thang. Nắp hầm có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc lên, diện tích 0,4mx0,6m. Sau khi căn hầm được hoàn thành, đơn vị “bảo đảm” vận chuyển vũ khí về đây bằng cách giấu vũ khí trong ván gỗ đục rỗng ruột, trong giỏ hoa, sọt trái cây…
Ông Nguyễn Văn Ba (tự Ba Bảo) được giao chở bí mật gần 2 tấn vũ khí từ căn cứ Củ Chi về đây gồm: 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn…Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân (1968), 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động tập trung tại căn nhà này để nhận vũ khí. Đội xuất phát trên 3 ô tô và một chiếc Honda tiến về Dinh Độc Lập.Sau trận đánh, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì chúng nghi đây là nơi trú ngụ của Đội Biệt động. Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng Mỹ không biết có hầm vũ khí ở dưới. Sau khi đất nước thống nhất, căn nhà được trả lại cho chủ cũ.
Ngày 16.11.1988, Di tích “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và mở cửa cho khách tham quan miễn phí.
Bảo tàng thông minh, lưu giữ những câu chuyện lịch sử về quá trình hoạt động cũng như những kỷ vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại số 145 Trần Quang Khải, quận 1.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là căn nhà hai tầng và vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà cổ, được xây dựng trước những năm giải phóng.
Để lên được Bảo tàng Biệt động, du khách phải đi qua một chiếc thang máy cổ. Chiếc thang máy này có từ khi căn nhà được xây dựng vào năm 1963. Đáng chú ý, cửa thang máy và các bức tường trong thang máy đều trạm khắc khá tỉ mỉ, từ thanh sắt, thanh gỗ đều được chạm khắc bằng nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo đẹp mắt, khiến ai lần đầu nhìn thấy cũng ngỡ ngàng.
Du khách tham quan bảo tàng sẽ được trải nghiệm những không gian cổ kính xen lẫn chút hiện đại bằng việc đưa các ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ thực tế ảo để tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn. Ngoài ra, du khách còn được xem phim tư liệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt dinh Độc Lập.
Dinh Độc Lập là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình “Theo dấu Biệt động Sài Gòn”. Dinh Độc Lập là di tích sự tự hào của dân tộc, về lịch sử hào hùng chống thực dân xâm lược, là điểm diễn ra sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Theo dấu chân biệt động Sài Gòn không chỉ nhằm lưu giữ cho mai sau về một thời kỳ lịch sử đặc biệt hào hùng của dân tộc thông qua việc giới thiệu tính độc đáo trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn mà còn giới thiệu về con người Việt Nam yêu nước, yêu chuộng hòa bình đến bạn bè quốc tế"