Bảo tàng Quang Trung - Nơi lưu giữ quá khứ hào hùng

Bình Định từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất võ cổ truyền, nơi thăng hoa của nghệ thuật hát bội, bài chòi và là nơi của những làng nghề truyền thống, những món ăn đặc sản hấp dẫn. Đặc biệt, đây còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt một thời của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Bảo tàng Quang Trung là nơi thể hiện rõ nhất những dấu ấn Tây Sơn còn sót lại trên mảnh đất Bình Định.

Bảo tàng Quang Trung nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về hướng Tây Bắc, thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Du khách đến Phú Phong, nhẹ bước trên cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn nổi tiếng để đến với Bảo tàng Quang Trung, cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn. Đây không chỉ là nơi lưu dấu những chiến công oanh liệt, hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung (Nguyễn Huệ) mà còn là nơi lưu giữ những tư liệu, di chỉ, hiện vật lịch sử quý hiếm của thời đại Tây Sơn.

Bảo tàng Quang Trung là một không gian văn hoá bao gồm: khu vực bảo tàng, điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên. Bảo tàng được khởi công xây dựng năm 1978 trên một khuôn viên rộng 95.000m² với lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại. 

Trong bảo tàng có 3 nhóm nhà chính, gợi ra 3 hướng tỏa vào sân tượng, cùng với đường vào từ phía cổng bảo tàng, tạo nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, mở ra 4 hướng, xong lại tụ vào 1 điểm: đó là nơi đặt tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhìn bề ngoài, kiến trúc bảo tàng Quang Trung mang đường nét cổ, với những hàng cột được nhắc lại có nhịp điệu và những lớp mái cong khỏe khoắn nhưng vẫn lãng mạn, hài hòa.

Khu vực bảo tàng bao gồm 9 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau, lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý xuyên suốt qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 – 1789). Đến với bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ được nghe thuyết minh, giới thiệu về những chiến tích lẫy lừng và chiêm ngưỡng những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị anh hùng áo vải như: trống trận, cồng chiêng, ấn tín hay 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Đến trận đánh 29 vạn quân Thanh. Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn. Ngoài ra du khách còn được ngắm sắc phục đã được lưu giữ hàng trăm năm qua của các vị quan này.

Nằm trong quần thể bảo tàng là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt cùng các danh tướng thân cận. Năm 1958 , điện thờ chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325m2. Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1979 và được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2014. Hiện nay trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn cành lá xum xuê che mát cả một góc vườn, có chu vi gốc cây tới 3,5m. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m, được  xây bằng đá ong và vẫn còn khá nguyên vẹn tới bây giờ. Đến đây, du khách có thể ngồi nghỉ dưới gốc cây me, múc nước giếng mát uống để tăng thêm nhuệ khí hào hùng như những người anh hùng thuở trước.


Bảo tàng Quang Trung còn là bảo tàng duy nhất ở nước ta có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong biên chế của mình, chuyên biểu diễn nhạc võ; là nơi lưu truyền tinh thần võ thuật dân tộc Tây Sơn - môn võ thuật truyền thống của Bình Định. Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương. Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung. Để làm tăng thêm tính sinh động cho những bài múa võ, người dân nơi đây còn cho tái hiện màn trống trận năm xưa của vua Quang Trung. Mỗi bài trống trận đều gồm có 3 phần: xuất trận, công thành, khải hoàn… Nhưng điểm đặc biệt ở đây là không hề có hồi trống thu quân, bởi người đời truyền tai nhau rằng trong cuộc đời thân trinh của “người anh hùng áo vải đất Tây Sơn” chưa một lần thất trận, chưa một lần phải thu quân, cứ chiến thắng liên tiếp như hồi trống dồn dập không dừng. Sau khi thưởng thức nhạc võ xong, du khách sẽ được xem những màn biểu diễn võ cổ truyền độc đáo, đẹp mắt. Vì vậy, khi đến bảo tàng Quang trung không thưởng thức nhạc võ và xem biểu diễn võ thuật là 1 thiếu sót rất lớn.

Vào mùng 4 và mùng 5 tháng giêng Âm lịch hằng năm, người dân và du khách bốn phương tụ hội về bảo tàng để làm lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc Quang Trung (hay còn gọi là ngày lễ Đống Đa).

Về thăm Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ gìn quê hương, đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH