Những món ngon xứ Nẫu làm say lòng du khách

Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, không chỉ có những cảnh đẹp nên thơ, những địa điểm du lịch nổi tiếng và đặc biệt hơn cả nơi đây có nhiều món ăn độc đáo, được xem như một nét đặc thù của người dân “xứ Nẫu” - cách gọi gần gũi, thân thương về vùng đất và con người Bình Định.

Nhiều món ăn đặc sản không thể bỏ qua như bánh ít lá gai, tré, nem chợ Huyện, chả ram tôm đất, chả cá Quy Nhơn, chả lụa, chả bò, bánh tránh nhúng, khô cá chỉ vàng…

1/ Bánh ít lá gai là một trong những món đặc sản thơm ngon làm nên danh tiếng cho món ngon Bình Định. Đây là một loại món ăn được chế biến rất cầu kì và tỉ mỉ. Lá để làm bánh là loại lá gai, sau khi được tuyển chọn những lá to dầy không bị sâu sẽ được đem phơi khô, nấu nhừ với mật mía, sau khi nước nấu đặc và nhuyễn thì cho bột nếp vào khuấy đều. Tiếp đến mang đi giã hoặc xay cho nhỏ để bột gạo, lá gai và mật được hòa quyện vào với nhau. Nhân để làm bánh gồm có đậu tầm, dầu chuối, sợi dừa hoặc có thể dùng dừa khô. Nếu là bánh gai mặn thì có thêm thịt mỡ, đậu phộng trong nhân. Đưa một miếng bánh vào miệng bạn sẽ cảm nhận được độ thơm dẻo của vỏ bánh, béo ngậy ngậy của đậu phộng, thịt mỡ, mùi thơm của dầu chuối. Tất cả như hòa quyện vào nhau tạo nên một loại bánh ít lá gai rất thơm ngon.

2/ Tré - Cái tên độc và lạ của một món ăn ở Bình Định. Cũng chính bởi cái tên này mà nó đã thu hút nhiều thực khách tìm hiểu và thưởng thức món ăn. Món đặc sản Bình Định nổi tiếng thơm ngon, nó mang một hương rất riêng mà chỉ những con người ở Bình Định mới làm nên được. Tré là một loại món ăn gần giống với các loại nem bì miền Bắc nhưng lại được thay thế bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: tai heo, lỗ mũi heo, da heo hoặc có thể là thịt ba chỉ. Các loại nguyên liệu sau khi được thái nhỏ thành lát sẽ được đem đi ướp cùng các loại gia vị như tiêu, tỏi, ớt, nước mắm và thính (bột giã nhỏ từ gạo rang). Đến khi gia vị hòa quyện vào thịt thì mang đi gói. Tré được gói bằng lá khế hoặc lá ổi non, lớp ngoài cùng là lá chuối. Sau đó đem đi bảo quản trong khoảng 2 đến 3 ngày là có thể thưởng thức.

3/ Nem chợ Huyện


Nói đến nem chua bạn sẽ nhớ ngay đến quê hương Thanh Hóa. Tuy nhiên, nem chua đặc sản Quy Nhơn Bình Định mang một hương vị thơm ngon nổi tiếng không kém nem chua Thanh Hóa. Nguyên liệu và cách chế biến cũng tương tự như món tré. Nem chợ huyện ở Bình Định được bọc một lớp lá khế non sau đó quấn quanh là lá chuối. Nem được gói vuông như một chiếc bánh trưng nhỏ, sau khi gói để ở một nơi thoáng mát, chỉ vài ngày sau là có thể ăn được.

4/ Bánh tráng nước dừa


Khi đến du lịch Bình Định không thể không nhắc tới món bánh tráng nước dừa. Công đoạn chế biến bánh không quá cầu kì nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, có kinh nghiệm của người tráng bánh. Nguyên liệu của bánh chủ yếu là củ khoai mì (củ sắn) được xắt nhỏ, xay lấy nước, nước dừa và vừng đen, cơm dừa được nạo thành sợi nhỏ. Tất cả đều được đổ chung vào một nồi lớn, trộn đều cho các gia vị hòa quyện cùng với nhau và được đun nóng. Bên cạnh đó có một chảo đang được đun nóng, khi chảo nóng lên người tráng bánh sẽ dùng một cái gáo làm bằng sọ dừa có cán dài múc từng gáo nước bánh lên chảo và tráng đều. Tráng bánh phải đều tay để cơm dừa và vừng đen được dàn đều mặt bánh, bánh phải tròn mỏng, sau đó bánh được mang ra phơi. Khi ăn bạn cần nướng lên để bánh có độ phồng và dậy hết mùi thơm của vừng, của nước cốt dừa và cơm dừa.

5/ Chả ram tôm đất là món đặc sản Bình Định được nhiều thực khách yêu thích. Với nguyên liệu chính là tôm đất, thịt mỡ, bánh tráng. Tôm đất để làm chả ram là những con tươi rói, thịt săn mềm, ngọt. Bánh tráng cuốn là bánh tráng phơi sương mỏng. Miếng chả ram chỉ cuốn nhỏ vừa bằng ngón tay, đem chiên giòn rụm. Chả ram tôm đất ăn nóng, cuốn chung với rau cải cay, bún, chấm với nước mắm chua ngọt. Món ăn tuy đơn giản nhưng được bán từ quán cóc vỉa hè cho đến những nhà hang sang trọng, được lòng từng thực khách bằng sự độc đáo của riêng mình.

6/ Bánh xèo tôm nhảy


Bánh xèo ở Bình Định cũng phổ biến như nhiều tỉnh miền Trung khác. Thế nhưng, bánh xèo Bình Định có vị khác biệt cuốn hút ở phần nguyên liệu tươi ngon trong nhân bánh. Do địa thế gần biển, nên tôm ở đây to và tươi. Nguyên liệu chính làm bánh là tôm nhảy tanh tách nên được gọi là bánh xèo tôm nhảy. Khi chín, tôm trông đỏ au, tròn mẩy. Lớp vỏ bánh xèo giòn thơm, vàng ruộm, cắn vào bên trong là lớp nhân tôm tươi ngon, còn có hành lá, giá đỗ, hành tây, khiến thực khách khó kìm được sức hấp dẫn. Bánh xèo tôm nhảy cuốn kèm với các loại rau sống như rau thơm, rau xà lách, hẹ, xoài… Bánh mang bày ra đĩa trông đẹp mắt, thơm phức. Ngồi ăn tại quán, du khách còn nghe tiếng bánh rán trong chảo xèo xèo cực vui tai. Bánh ăn giòn tan, chấm nước mắm pha chua ngọt, cùng ít dưa góp vị thanh thanh, béo mà không ngấy.

7/ Bánh hỏi cháo lòng

Bánh hỏi cháo lòng có ở khắp các con phố Bình Định, nhất là ở Quy Nhơn. Bánh hỏi là sợi bún rất nhỏ được đóng thành bánh tròn vừa lòng bàn tay, ăn cùng cháo và đĩa lòng heo thập cẩm. Du khách sẽ cảm nhận được vị mát của bún, độ giòn của lòng heo, thêm bát cháo lòng nữa là đủ ấm bụng. Bánh hỏi muốn ngon hơn phải thoa thêm lớp dầu mỏng để có độ béo, ăn kèm với lạ hẹ xắt nhỏ để tạo độ thơm cho món ăn. Bánh hỏi, lòng heo, thịt heo luộc chấm quyện trong bát nước chấm chua ngọt, cay. Cháo lòng được chế biến khá ngon, độ sệt của cháo ăn kèm với phần lòng heo là đủ để níu chân thực khách thêm nhiều lần.

8/ Bún cá


Món bún cá từ lâu đã trở thành một phần trong tinh hoa ẩm thực xứ Nẫu. Món ngon hấp dẫn ở phần chả cá và nước dùng. Nước dùng không giống như các món ăn khác ninh từ xương heo mà là ninh từ xương cá, thêm hành tím, quả thơm…để loại bỏ mùi tanh. Nước dùng trong veo, ngọt vị cá của biển. Phần chả cá được làm từ cá biển nên rất giòn, thơm, có chút cay của tiêu ớt ăn rất ngon miệng. Khi thưởng thức tô bún cá với đủ vị đặc trưng của biển, kèm thêm rau sống tươi ngon, vắt thêm chút chua cay của chanh ớt. Cho dù thưởng thức một lần, bạn sẽ bị vương vấn mãi hương vị món ăn đặc biệt này.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH