Tây Nguyên
Rượu Bàu Đá – ngây ngất men nồng
Bình Định không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh hùng vĩ cùng với những món ăn đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê mà nơi đây còn nổi tiếng với nhiều làng rượu ngon. Nhắc đến rượu ngon, rượu Bàu Đá Bình Định là cái tên không thể bỏ qua là Quốc tửu của Việt Nam. Có thể nói, rượu Bàu Đá chính là một đặc sản truyền thống của Bình Định. Đây là loại rượu nổi tiếng từ rất lâu và nó cũng là đặc sản được du khách mua về làm quà trong các chuyến du lịch.
Người xưa kể rằng, tại gò Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn có một cái bàu rộng tầm 3000 mét vuông và dân trong vùng gọi là Bàu Đá (bởi vì trong bàu có rất nhiều đá), dân trong làng lấy nước từ bàu để sinh hoạt, nấu ăn. Tình cờ có một người hành nghề nấu rượu tên là Hương Lễ phiêu bạt về đây, ông là người ở đất Tây Sơn và được thừa hưởng công thức nấu rượu từ thời vua Quang Trung. Một hôm, ông sử dụng nước của bàu để nấu rượu và không ngờ rằng những mẻ rượu được nấu từ nguồn nước này lại có hương thơm rất đặc trưng không nơi nào sánh bằng. Từ đó ông đã truyền nghề cho những người dân trong vùng và hình thành nên một làng nghề nấu rượu, dân trong vùng lấy tên của bàu để đặt tên cho loại rượu này – rượu Bàu Đá.
Ngày nay, bàu nước cũ đã cạn từ lâu, nguồn nước chủ yếu được dùng để lên men, cất rượu là từ mạch nước giếng của làng. Tuy nhiên, hương vị rượu Bàu Đá vẫn rất thơm ngon, đặc biệt và không mất đi những nét xưa vốn có. Để nấu được một mẻ rượu bầu đá chính gốc thì phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, hay các dụng cụ nấu. Quá trình nấu rượu cũng rất công phu và tỉ mỉ. Thường thì sẽ phải mất 6 ngày mới cho ra một mẻ rượu. Nguyên liệu để nấu rượu bầu đá gồm có: gạo, nếp. Thông thường, mỗi mẻ nấu sẽ sử dụng khoảng tầm 7,2 kg gạo. Sau khi đã nấu chín gạo thì đem để nguội rồi trộn với men, ủ vào xô nhựa. Sau 3 ngày, cơm dậy mùi hương của men rượu, thêm vào 16 lít nước giếng trong, ủ tiếp 2 ngày nữa. Cuối cùng, cho cơm rượu vào nồi rồi tiếp tục đun trong 5 giờ. Rượu Bàu Đá sẽ được chưng cất qua ống tre nối từ nồi nấu sang nồi ngưng tụ. Một mẻ có thể thu được khoảng 4 lít rượu nguyên chất, có vị mạnh, nồng độ cao lên tới hơn 50 độ.
Điểm đặc biệt cần lưu ý nhất khi chưng cất rượu Bàu Đá không được vội vàng, phải bật lửa nhỏ mới vắt cạn được tinh chất từ gạo. Nếu là người nấu rượu lâu năm thì không cần nếm cũng có thể kiểm tra được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu hay ngửi hương rượu thoáng qua.
Theo lời truyền miệng của dân gian, trước kia rượu Bàu Đá Bình Định được chuyên dùng để tiến vua…và từ đó hình thành những nét văn hóa trong việc thưởng thức rượu Bàu Đá. Khi uống rượu, đầu tiên rượu đựng trong lu sành hoặc canh phải được rót vào một cái ve vòi, sau đó người rót cầm ve vòi giơ cao, ghiêng ve vòi để tạo thành một dòng chảy từ trên cao vào ly uống rượu (thường gọi là ly/chén hột mít) sao cho phát ra tiếng kêu róc rách đồng thời rượu sủi bọt tăm nhìn rất hấp dẫn. Nhưng tuyệt đối không được đổ ra ngoài hay tràn miệng ly. Người uống nâng ly lên và uống một ngụm hết cả ly, sau đó chép miệng một tiếng và khà một cái thật sảng khoái. Với những người mới uống Bàu Đá thì chỉ nên uống từng ngụm nhỏ để quen dần, sau đó mới uống cả ly. Rượu khi đã rót ra ly, không nên để lâu vì rượu sẽ bốc hơi (nhất là đối với rượu Bàu Đá nấu từ Đậu Xanh vì khối lượng riêng của tinh bột Đậu Xanh nhẹ hơn Gạo và Nếp), khi đó nhìn ly rượu sẽ bị đục – uống không còn ngon nữa.
Hiện tại, làng nấu rượu Cù Lâm vẫn không có nhiều thay đổi. Đó vẫn là một làng quê yên bình, đơn sơ, ở cổng làng có cổng chào: Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá. Trong làng có tổng 33 hộ nấu rượu, phải kể ra một số hộ có tiếng, được nhiều nơi ưa chuộng đó là: lò cô Năm Phượng, Lâm Xuân Mười, Ba Trương… Riêng lò cô Năm Phượng là lò rượu đầu tiên trong làng được Sở văn hóa công nhận là nấu thành công rượu Bàu Đá đậu xanh vô cùng đặc biệt.
Vì sự thơm ngon và nộng độ cao đặc trưng, nên rượu Bàu Đá Bình Định rất thích hợp để ngâm dược liệu trị bệnh và bồi bổ sức khỏe mà khó có một loại rượu nào thích hợp hơn. Các bạn có thể dùng để ngâm các sản phẩm sống như: chim bìm bịp, tắc kè, hải mã, rắn, nhung hươu, hà nàm…cho đến các loại thảo dược như: nhân sâm, nấm linh chi, nấm ngọc cẩu, chuối hột…