Tháp Bánh Ít - 1001 điểm đến trong đời

Bình Định không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp mà các kiến trúc văn hóa Chăm – pa tiêu biểu như tháp Bánh Ít cũng thu hút du khách xa gần đến tham quan. Trong hệ thống tháp Chăm hiện còn tại Bình Định, tháp Bánh Ít là một trong những ngôi tháp nổi tiếng nhất và được nhóm tác giả người Anh của cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” giới thiệu với bạn đọc thế giới. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam được chọn giới thiệu trong cuốn sách này. Tháp Bánh Ít được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật vào năm 1982 và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 10 tháp và cụm tháp cổ được nhiều du khách tham quan nhất vào năm 2014.

Tháp Bánh Ít (còn được biết đến với tên gọi là tháp Bạc) là một cụm tháp gồm bốn tháp Chăm cổ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 10. Tháp nằm trên ngọn đồi huyện Tuy Phước (Bình Định), cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về phía Bắc. Sở dĩ tháp có tên gọi như vậy bởi hình dáng kiến trúc tháp giống như chiếc bánh ít - một loại bánh đặc sản của quê hương Bình Định.

Quần thể tháp Bánh Ít gồm có bốn tháp: Đền thờ chính (Kalan), tháp cổng (Gopura), tháp hỏa (Kosagrha) và tháp bia (Posah). Căn cứ vào các phế tích còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng số lượng kiến trúc tại đây còn nhiều hơn, tạo nên một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh với nhiều loại hình kiến trúc khác nhau.

Tháp chính nằm trên đỉnh đồi, đây là tòa kiến trúc lớn nhất. Ngôi tháp có một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả. Cửa chính được xây dựng nhô ra khỏi mặt tường tháp 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala. Diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần HaNuMan đang múa. Ở các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm lại được tạo các phù điêu Gajasimha.

Tháp hỏa nằm về phía tây tháp bia, cạnh tháp chính. Tháp có hình dáng đặc trưng với phần mái cong hình yên ngựa. Đây là ngọn tháp được trang trí rất cầu kỳ, với những hình người như đang gồng mình, dùng hai tay như nâng bổng cả mái tòa tháp. Đây là kiến trúc có chức năng như nhà kho, nơi người Champa xưa đặt các vật dụng phục vụ tế lễ. Bên trong tháp thờ ngày nay đặt một bức tượng Shiva, là bản phục chế của bức tượng nguyên gốc từng được đặt tại tháp (hiện bức tượng gốc đang nằm trong Bảo tàng Guimet, Pháp).

Tháp cổng phía đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Vì có chức năng làm cổng nên ngôi tháp này có hai cửa thông nhau theo hướng Đông – Tây, được trang trí đơn giản hơn so với ngôi tháp chính và cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính trên đỉnh đồi. Ðặc biệt, vòm cửa được trang trí giống hình mũi lao có nhiều lớp liên tiếp vút lên trên. Hai mặt còn lại của tháp là hai cửa giả, không thông với lòng tháp nhưng vòm được tạo dáng giống như cửa thật. Mặc dù đã bị hư hại nhiều, tháp cổng không còn khá vững chãi. Quanh thân tháp có các trụ đá ốp để trơn không trang trí. Diềm mái tháp hơi nhô ra nâng toàn bộ ba tầng mái trang trí đơn giản nhưng khỏe khoắn.

Tháp bia nằm cách tháp cổng phía đông 22m, về phía hướng nam. Trong tháp này thường có bia ký ghi lại công trạng của các vị vua và các vị thần linh được thờ ở không gian thiêng này. Rất tiếc là tấm bia trong ngôi tháp này hiện nay không còn. Tháp bia có kích thước và cấu trúc giống tháp cổng phía Đông và cùng phong cách kiến trúc Bình Ðịnh: bình đồ vuông, cửa hình mũi lao, thân được tạo các cột ốp... Song ở tháp cổng phía nam có những đặc điểm riêng như bốn cửa thông nhau theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Ðây là kiến trúc Posah có bộ mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình ra ở hai đầu trông giống như những quả bầu nậm.

Vật liệu xây dựng ở tháp Bánh Ít rất đa dạng. Người Chăm thường dùng đá sa thạch, đá hoa cương và gạch được điêu khắc để xây dựng. Trên mặt tường của tháp, các nghệ sĩ Chăm xưa đã tô điểm bằng những băng, những ô hình hoa lá. Bên cạnh dáng vẻ uy nghi của tòa tháp là vẻ thanh tú của những đường nét, họa tiết hoa lá trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem. Quần thể tháp Bánh Ít có nhiều tượng, phù điêu với đường nét chuyển động duyên dáng thể hiện văn hóa Chăm thời kỳ này. Ngoài ra còn có các linh vật cả trong cuộc sống thực lẫn từ thần thoại như voi, hổ, Garuđa cũng là một chủ đề được sử dụng rất nhiều trong hệ thống tháp Bánh ít.

Tháp Bánh Ít gây ấn tượng đối với khách du lịch không chỉ bởi tên gọi ấn tượng mà còn bởi sự đặc biệt trong kiến trúc của tháp. Với sự kết hợp nhịp nhàng của sự trang nhã, khỏe khoắn với độ hoành tráng của kiến trúc Chăm, tháp Bánh Ít là một kiệt tác trong kiến trúc nghệ thuật tháp Chăm trên mảnh đất Bình Định. Nơi đây còn là nơi lưu giữ những thăm trầm lịch sử của vương quốc Chăm-pa một thời hùng mạnh.

Kiến trúc Chăm-pa cổ làm say lòng người ấy còn là điểm dừng chân cho những khung hình check-in để đời của giới trẻ. Để có những bức ảnh đẹp, bạn chỉ cần len lỏi vào từng ngõ ngách của tháp. Vẻ đẹp của sự cổ kính, uy nghi, tráng lệ đã nhuốm màu thời gian là background hoàn hảo cho mọi concept.

Hãy đến đây và thả một luồng gió mới trong hành trình tham quan Bình Định của bạn. 

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH