Miền Nam
Hành trình trường ca của lửa và nước
Nếu các tỉnh phía Bắc Việt Nam thu hút du khách bởi các hang động trong núi đá vôi tráng lệ và huyền ảo thì khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Công viên địa chất Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông mang đến những ấn tượng về sự kỳ vĩ và bí ẩn của hệ thống hang động núi lửa hiếm gặp và vô cùng rộng lớn tại khu vực này
Độc đáo “Trường ca của lửa và nước”
Đến với Công viên Địa chất Đắk Nông là đến với âm hưởng “Trường ca của lửa và nước”, “Bản giao hưởng của làn gió mới” và lắng nghe “Âm vang từ trái đất”. Điểm nổi bật nhất làm nên tuyến du lịch độc đáo “Trường ca của lửa và nước” là hệ thống hang động núi lửa bazan hoang sơ, phân bố dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007. Đây là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp nhất Đông Nam Á, có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choah dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.
Năm 2014, sau hơn 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản đã khám phá ra quần thể hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Đắk Nông (nay nằm trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông do tỉnh xây dựng vào cuối năm 2015).
Quần thể hang động núi lửa này (với khoảng 50 hang, tổng chiều dài hơn 10km đã được khảo sát và đo vẽ) là di sản địa chất mang tầm quốc tế độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông, là kết quả của quá trình phun trào núi lửa xảy ra cách đây hàng triệu năm.
Khác với nguồn gốc thứ sinh của các hang động đá vôi, các hang động núi lửa có nguồn gốc đồng sinh vì chúng được hình thành ngay trong quá trình phun trào và đông cứng của dung nham bazan. Đây là một trong những điều rất lý thú về mặt khoa học, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu cũng như du khách thập phương.
Tuy trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông có 5 miệng núi lửa đã được phát hiện là: Núi lửa âm Nâm Dơng (huyện Cư Jút), núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (huyện Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (huyện Đắk Mil) nhưng cho đến nay, các nhà khoa học nhận định rằng các hang dung nham được tìm thấy trong khu vực chỉ liên quan đến hoạt động phun trào của núi lửa Nâm Blang.
Nếu ví núi lửa Nâm Blang là trái tim của cánh đồng dung nham rộng lớn thì hệ thống các hang động được xem như các mạch máu của nó. Trong đó, đáng chú ý là hang C7, dạng ống, dài 1.066,5m là hang động dung nham được Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục đứng đầu Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Hang C3 dài 594,4m xếp thứ nhì Đông Nam Á. Hang A1 dài 456,7m xếp thứ năm Đông Nam Á…Trong hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào của núi lửa như các ngấn dung nham, hốc sụt.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích cư trú của người tiền sử như dụng cụ lao động bằng đá, đồ gốm, mảnh xương động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, mộ táng cổ…trong một số hang, tiêu biểu là hang C6, C6-1. Phát hiện quan trọng này mở ra một bước ngoặt mới trong ngành cổ nhân học Việt Nam vì được biết, trên thế giới chưa nơi nào phát hiện được di cốt người cổ trong các hang động núi lửa.
Đến nay, ngoài hang C3, C4 đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành điểm đến trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, thì các hang động dung nham khác vẫn chưa chính thức được đưa vào khai thác du lịch do chưa có nghiên cứu đánh giá về độ an toàn của trần hang.
Khác với cấu trúc hang động núi đá vôi, hang động núi lửa trong đá bazan có cấu trúc thành yếu và không bền vững, dễ sụt lún. Do đó, đối với các hang động núi lửa chưa được khai thác du lịch, du khách không nên tự ý khám phá khi không mang các dụng cụ bảo hộ an toàn.
Khám phá hang C3, C4 như thế nào?
Hang C3, C4 nằm trong khu vực cụm thác Dray Sap - Gia Long, được thông với nhau với tổng chiều dài khoảng 968m. Dù không thuộc sự quản lý của Khu du lịch Dray Sap, nhưng để đến được hang động này, du khách phải mua vé vào cổng của khu du lịch này. Bên trong khu du lịch có lắp đặt hệ thống các bảng, biển chỉ đường, biển báo để hướng dẫn du khách lối vào hang.
Việc xuống hang không khó, nhưng du khách cần thận trọng khi đi trên những tảng đá bom núi lửa to và ngổn ngang nằm ở miệng hang. Bên trong lòng hang là hàng loạt những thành tạo điển hình như các loại thạch nhũ, các khe nứt, các nếp uốn… dễ dàng quan sát được. Đứng trong lòng hang rộng lớn, du khách có thể cảm nhận rõ nét sự vận động mạnh mẽ của dòng dung nham núi lửa tuôn trào và sự kỳ vĩ mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này.
Hang động núi lửa ở Công viên địa chất Đắk Nông không chỉ có giá trị về khoa học, thẩm mỹ và giáo dục. Đây còn là điểm đến lý tưởng cho du khách ưa mạo hiểm, khám phá nét hoang sơ và những vận động kiến tạo của trái đất, hứa hẹn sẽ là một động lực thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển trong những năm tới.
Một điểm đến hấp dẫn khác trong hành trình này là khu vườn âm thanh (Phono Folium), được đặt tại Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Đây là một công trình nghệ thuật tương tác giữa cây sống phản ứng với những cảm ứng của con người để tạo ra âm thanh. Công trình nghệ thuật này mang lại cho du khách cảm nhận về mối quan hệ giữa những tác động của cơ thể người với thiên nhiên nhằm đem lại những trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho khách tham quan.
Cũng trong tuyến du lịch“Trường ca của nước và lửa”, du khách sẽ khám phá thêm nhiều điểm du lịch đầy thú vị: Mỏ cao lanh nằm trên địa bàn xã Đắk Ha (Đắk Glong), Làng nghề đan lát người M’nông, căn cứ địa Nâm Lung, trang trại dê hữu cơ Duy Hùng, mỏ nguyên liệu nhôm, đi bộ đường rừng, thác Đray Sáp, núi lửa Nâm Kar, thác Gia Long...
Với sự hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực, tháng 7/2020, Ủy ban chương trình và Quan hệ quốc tế của hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định của Hội đồng công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).