Miền Nam
Những món ăn đặc sản Đà Lạt làm từ rau và hoa
“Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa…”
Một vùng đất đã đi vào thơ, ca với đầy đủ chất tình và lãng mạn. Không phải tự nhiên mà Đà Lạt được gắn liền với nhiều danh xưng mỹ miều: Xứ sở sương mù, thành phố tình yêu, thành phố ngàn hoa, thành phố của mùa Xuân, … mà bởi vùng đất cao nguyên này được thiên nhiên quá ưu ái, có không khí trong lành, thời tiết bốn mùa với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng níu chân bao du khách, say lòng biết bao thi nhân. Một Đà Lạt không thiếu những công trình kiến trúc cổ kính Châu Âu, những con đường hoa rực rỡ trải dài qua từng con dốc, những con người nhẹ nhàng rất Huế và một nguồn thổ sản phong phú mang đến cho vùng đất cao nguyên này những món ăn độc đáo đủ hương vị và sắc màu.
Nói đến ẩm thực Đà Lạt, không thể không nhắc đến các loại rau. Rau Đà Lạt không chỉ là loại thực phẩm cho địa phương mà còn đóng góp vào nguồn thu kinh tế lớn cho tỉnh Lâm Đồng. Với địa hình vùng cao, khí hậu mát mẻ quanh năm thuận lợi trồng rất nhiều loại rau tươi ngon, đa dạng về chủng loại. Vậy nên không có lý do gì bạn lại bỏ qua những món ăn sạch, ngon và bổ dưỡng này.
Những món xà lách:
Xà lách trộn dầu giấm: Đây là món ăn quen thuộc trong thực đơn của người Đà Lạt bởi nguyên liệu luôn sẵn có và cách chế biến khá đơn giản nhưng lại rất dễ ăn. Ngoài bổ sung chất xơ tốt cho sức khỏe, món ăn này còn giúp cho bạn giảm bớt vị béo ngậy của những món chiên xào khác. Thành phần chính là loại rau xà lách (có rất nhiều loại xà lách: xà lách mỡ, san hô, carol, romain, …), nhưng với món này lựa chọn tốt nhất là xà lách carol bởi có độ dai, giòn nên sau khi chế biến vẫn giữ được màu sắc tươi xanh, ngon ngọt của rau. Trong những chuyến hành trình đến với Đà Lạt, mỗi bữa ăn du khách đều được thưởng thức món xà lách trộn dầu giấm và đây được xem là món ăn duy nhất “ăn hoài không chán” khi đến mảnh đất phố núi cao nguyên này.
Để món ăn thêm đa dạng, món ăn có thể thêm một số nguyên liệu khác: thịt bò, trứng luộc, cá hộp, … đảm bảo bổ sung thêm dinh dưỡng cho bữa ăn.
Xà lách rau củ: Đây là món ăn kết hợp từ 3 đến 5 loại rau củ (tùy theo mùa): cà rốt, cà chua bi, bơ, ớt chuông, đậu hà lan, bắp cải tím, … được cắt thành hạt lựu và trộn với nước sốt mè hoặc nước sốt mayonnaise, tạo nên hương vị ngọt thanh của rau củ, béo nhẹ và thơm của sốt. Món ăn này thường kết hợp với món khai vị trong những thực đơn tiệc, hoặc bữa ăn có rượu vang.
Ngoài ra còn có thể kết hợp thêm các loại thực phẩm khác như: cá ngừ, thịt xông khói, hải sản...
Rau củ sấy khô Đà Lạt
Đây là món ăn vặt đơn giản, tiện lợi (giống như món snack), nhưng nguyên liệu chế biến và hương vị đa dạng hơn bởi các loại rau củ tự nhiên. Món ăn này với hình thức sấy khô từ rất nhiều loại rau củ gì có thể làm thực phẩm tại Đà Lạt: chuối, khoai lang, khoai mỡ, khoai tây, khoai môn, đậu bắp, đậu cô ve, đậu đũa, … Đây là món ăn vặt nhưng lại chứa rất nhiều chất xơ có lợi cho sức khỏe và dễ ăn, chi phí rẻ nên luôn là lựa chọn của du khách khi mua đặc sản Đà Lạt.
Mứt Đà Lạt
Không nơi nào có nhiều món mứt ngon, lạ và độc đáo như Đà Lạt. Mứt ở đây đa dạng từ nguyên liệu đến hương vị: dâu tằm, dâu tây, hồng khô, tắc, chanh dây, ki wi, khoai lang dẻo, trần bì (vỏ cam, vỏ quýt), ô liu, mơ, cà chua bi,… những loại mứt này có chung đặc điểm có nhiều vitamin, vị chua hoặc ngọt thanh nên giới trẻ rất thích.
Độc đáo và lạ miệng với mứt làm từ hoa, đó là mứt hoa hồng, hoặc tên gọi khác là mứt atiso đỏ hay mứt Hibiscus. Món ăn này có vị chua ngọt, giòn dai nhẹ kết hợp với màu đỏ rực bắt không chỉ là món ăn vặt lạ miệng mà còn được dùng chế biến hoặc trang trí một số món ăn khác: làm xà lách, trộn sữa chua, trang trí những món bánh ngọt. Thành phần chính là đài hoa atiso đỏ- loài cây chỉ có theo thời vụ nên món ăn này không chỉ độc đáo mà còn hiếm bởi một năm chỉ có một mùa và rộ nhất là tháng 11 trong năm. Đây là món ăn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe: tim mạch, tiêu hóa, điều hòa lượng đường trong máu, hỗ trợ giấc ngủ ngon.
Những món ăn làm từ cây atiso Đà Lạt. Đây được xem là một trong những biểu tượng của đà lạt, cây trưởng thành cao trung bình từ 1m đến 2m và có thể sử dụng hết từ gốc đến ngọn mà không bỏ bất cứ bộ phận nào. Mùa rộ nhất trong năm là khoảng tháng 9 đến tháng 11, loại cây này không chỉ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà còn có thể chế biến rất nhiều món ăn và thức uống khác nhau, một trong số đó là:
Hoa atiso hầm: món này chỉ có thể ăn khi bạn đến đúng mùa hoa nở bởi nguyên liệu làm từ hoa atiso tươi và nấu chung trong nước dùng được ninh mềm từ giò heo, sườn heo, bồ câu hay gà, ... Đây là món hầm bổ dưỡng có vị béo của nước dùng, giòn dai kèm vị chát nhẹ của hoa atiso giúp cho món ăn thêm lạ miệng mà nhiều du khách đến đây đều muốn thưởng thức.
Canh atiso: món này thì dùng thân cây để nấu chung với giò sống, món ăn này đơn giản và chế biến nhanh hơn món hầm.
Chè atiso: với nguyên liệu kết hợp khá đơn giản: đậu xanh, nha đam, đường phèn, lá dứa khi dùng cho thêm ít nước đá tạo nên một món tráng miệng vừa giải khát vừa thanh nhiệt.
Các món giải khát: có 2 cách chế biến là tươi hoặc khô. Lấy một phần của cây khi còn tươi và nấu thành nước uống, cách này sẽ giữ được nguyên vẹn hương vị và thành phần có lợi cho sức khỏe của cây atiso nhưng chỉ có thể thưởng thức vào mùa thu hoạch và không bảo quản được lâu. Cách thứ 2 là sấy hoặc phơi khô: hoa, thân, rễ, … tùy từng bộ phận mà giá cả khác nhau, đắt nhất là hoa atiso sấy khô. Cách chế biến này giúp cho sản phẩm bảo quản khá lâu, khi dùng thì nấu hoặc hãm như các loại trà. Dù là chế biến như thế nào thì cũng mang lại cho bạn một món nước dễ uống, tốt cho sức khỏe lại không quá đắt, thích hợp làm quà tặng đặc biệt cho những người lớn tuổi hay thích làm đẹp.
Một chuyến hành trình đến Đà Lạt của bạn thật thiếu sót nếu không dành thời gian thưởng thức những món đặc sản nơi đây, nhất là những món ăn từ rau và hoa vừa mang lại cảm giác ngon miệng, độc đáo lại có ích cho sức khỏe. Đó chính là lý do giúp cho vùng đất cao nguyên này xác lập thêm một kỷ lục Việt Nam về “100 món ăn từ rau và hoa Đà Lạt”.