Miền Nam
Vườn hồng chín báo hiệu mùa thu Đà Lạt
Nhắc đến Đà Lạt, người ta sẽ nghĩ ngay đến nơi có nhiều thổ sản nhất của Việt Nam, từ các loại rau củ quả đa dạng đến những loại trái cây rất đặc trưng chỉ sống tại xứ lạnh, đó là hồng giòn. Điều đặc biệt hơn nữa là khi vườn hồng chín cũng là lúc Đà Lạt vào thu. Mùa thu Đà Lạt không chỉ đón chào một giai đoạn chuyển mùa trong năm, mà còn là lúc người dân tất bật với công việc thu hoạch và những chuyến xe xuôi ngược chuyên chở một mùa hồng bội thu.
Với khí hậu ôn đới mát mẻ, vùng đất này là thiên đường để trồng nhiều loại trái cây xứ lạnh và hồng là một trong những số đó. Hồng Đà Lạt hay hồng giòn được người Pháp du nhập vào từ đầu thế kỷ XX. Đây là loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt và không kén đất. Thời gian thu hoạch hồng từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12, đặc biệt loại cây này sẽ rụng lá trước khi kết quả. Có 2 loại hồng: hồng đầu bằng (hồng vuông) và hồng trứng. Hồng đầu bằng có đầu quả khá dẹt, trái màu vàng nhạt, hồng trứng có hình dáng giống quả trứng ban đầu màu vàng nhạt khi chín chuyển sang màu đỏ cam. Nhưng cả 2 đều có hương vị giống nhau, khi ăn có cảm giác sần sật, dai dai, có vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ. Quả này thu hoạch bằng tay, người nông dân sẽ hái từng quả xuống, sau đó phân chia làm 2 loại: những quả có hình dáng và màu sắc đẹp mắt bán cho thương lái, còn quả xấu hơn thì chuyển đến những nhà máy chế biến hồng khô, mứt hồng.
Không chỉ là món ăn vặt, hồng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa rất tốt. Ngoài hồng tươi, để giữ được lâu hơn và đổi khẩu vị, người Đà Lạt có nhiều cách chế biến khác nhau: hồng khô (mứt hồng), hồng treo. Điều đặc biệt là dù chế biến như nào thì vị của món ăn này hoàn toàn tự nhiên mà không thêm bất kỳ gia vị nào, kể cả đường.
Ủ hồng chín và loại bỏ vị chát theo cách truyền thống: sau khi thu hoạch hồng, người ta sẽ bỏ vào túi ni lông có lót lớp giấy, cứ một lớp giấy một lớp hồng xen kẻ cho đến khi đầy túi và buộc kín lại, ủ trong vòng 1 tuần nhằm loại bỏ đi vị chát.
Mứt hồng dẻo (hồng khô): chọn những quả hồng giòn chín, rửa sạch và gọt vỏ đều để ra thành phẩm đẹp mắt, bảo quản hồng không bị nấm mốc bằng cách trụng sơ qua nước sôi hoặc ngâm rượu từ 3 đến 5 phút. Cuối cùng là công đoạn sấy hồng ở nhiệt độ 60-70 độ C trong khoảng 6 tiếng, rồi massage cho hồng tiết mật. Món này thường bảo quản trong túi hút chân không và có thể giữ được 2 tháng.
Hồng treo gió: với cách này, phải chọn những trái hồng chín còn cuốn xanh. Đầu tiên rửa sạch những, tiếp theo gọt vỏ nhưng chừa lại phần cuốn. Tiếp theo là bước giúp bảo quản hồng không bị nấm mốc bằng cách trụng sơ qua nước sôi hoặc ngâm rượu từ 3 đến 5 phút. Cuối cùng, dùng dây treo hồng lên để phơi dưới nắng nhẹ, thoáng mát. Sau khi phơi được 10 ngày thì đeo bao tay nắn nhẹ từng quả hồng để mật tiết ra và tiếp tục phơi khoảng 4-5 ngày thì thành phẩm.
Thu về cũng là lúc vườn hồng chín rộ, tô điểm những sắc cam, vàng quanh con dốc nơi ngoại ô thành phố. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn đặt chân đến phố núi vào những ngày đầu thu se lạnh, ngắm nhìn những vườn hồng thấm đẫm sương đêm, thưởng thức hương vị ngọt ngào của những quả hồng chín đỏ, xua tan ồn ào náo nhiệt và những bộn bề lo toan trong cuộc sống, tận hưởng không gian yên bình nơi thành phố trên cao nguyên, đó chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến hành trình của bạn.