Trải nghiệm những âm thanh độc đáo từ Bảo tàng âm thanh Đắc Nông

Nằm trên tuyến du lịch mang tên “Âm vang của Trái Đất”, Bảo tàng âm thanh là một điểm đến du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Công viên địa chất Đắk Nông.

Được khánh thành cuối tháng 7.2019, Bảo tàng âm thanh nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Nông ở Thành phố Gia Nghĩa. Công trình này không chỉ là nơi trưng bày mà còn là hành trình khám phá những âm thanh kết hợp từ các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và những âm thanh được sáng tạo bằng công nghệ, do những nghệ sĩ quốc tế dành riêng cho Công viên địa chất Đắk Nông.

Tổng thể của khu trưng bày được thiết kế thành 8 phòng riêng biệt với 7 chủ đề mang đặc trưng âm thanh đến từ những chất liệu khác nhau cũng như cách thức diễn tấu riêng biệt, gồm âm thanh của đá, gió, nước, gỗ, lửa, ánh sáng và âm thanh của con người, được lấy cảm hứng từ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với sự tương quan lẫn nhau. Tất cả các gian và các nhạc cụ bên trong đều do nhóm nghệ sĩ Scenocosme (Pháp) sáng tạo riêng cho Bảo tàng âm thanh và được lấy cảm hứng từ âm thanh của tự nhiên bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bước vào phòng trưng bày với tên gọi “Âm thanh của đá”, du khách sẽ cảm nhận được nét đặc trưng phát ra nơi đây được bắt nguồn từ những thanh đá tưởng chừng như vô tri vô giác. Bằng sự tinh tế, con người đã biết tận dụng những thanh đá kêu, qua bàn tay khéo léo của mình và thổi hồn vào đó, tạo nên sự réo rắt của những âm thanh, làm vơi bớt đi những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày. Đáng chú ý là tại đây trưng bày bộ đàn đá có tên Goong Lú (tức là cồng đá), tiếng đàn lúc như âm vang trầm hùng của núi rừng, lúc nghe thánh thót như tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá như thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân bản địa.

Bộ đàn đá gồm có ba thanh là Tru, Trơ và Tê (mẹ, cha và con), được tìm thấy ở suối Đắk Kar tại xã Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông). Đây là một hiện vật có giá trị lớn bổ sung vào bộ sưu tập nhạc cụ nhóm đá sừng, đóng góp một tài liệu mới cho việc nghiên cứu khoa học về các nền văn hóa nghệ thuật cổ xưa, đặc biệt là ở vùng các dân tộc phía nam Tây Nguyên.

Tham quan Bảo tàng âm thanh, du khách còn có dịp trải nghiệm nghệ thuật tương tác, với sự hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra những hiệu ứng âm thanh độc đáo, như chạm tay vào đá tạo âm thanh; dùng màn hình điện thoại chiếu sáng những bông hoa, mỗi bông hoa sẽ phản hồi lại những âm thanh khác nhau tùy thuộc vào cường độ ánh sáng; tương tác giữa người với người tạo ra những âm thanh khác nhau…

Một tác phẩm nghệ thuật của nhóm nghệ sĩ Scenocosme (Pháp) sáng tạo mà du khách không nên bỏ lỡ là “khí quyển”, được lấy cảm hứng từ âm thanh của tự nhiên. Tác phẩm thể hiện nghệ thuật tương tác giữa con người với thiên nhiên, thông qua sự hiện diện của một quả cầu gốm rất nhạy cảm với hơi thở. Tùy thuộc vào cường độ mà tạo nên sự phản ứng của tác phẩm này như là tiếng vang, sự phản chiếu của ánh sáng và sự rung động.

Tại Bảo tàng âm thanh cũng trưng bày nhiều nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào M’nông và Ê Đê sinh sống tại tỉnh Đắk Nông, như: M’buốt, Đinh năm, Đinh puôt, M’ló… cùng nhiều nhạc cụ của các dân tộc trong và ngoài nước. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được những âm thanh hùng tráng từ những hang động núi lửa, của tiếng thác đổ; âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, đàn đá và các nhạc cụ… cùng tiếng gió reo, tiếng cỏ cây hoa lá hòa quyện vào nhau, đã tạo nên giá trị văn hoá của một vùng đất.

Bảo tàng âm thanh sẽ là một điểm nhấn hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến với Công viên địa chất Đắk Nông nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH