Tây Nguyên
Hà Giang – nơi đá nở hoa
Hà Giang, vùng đất biên cương của Tổ quốc, nay đã không còn xa lạ với hầu hết du khách trong và ngoài nước. Khi nhắc đến Hà Giang, người ta nghĩ ngay đến cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, cánh đồng hoa tam giác mạch rực rỡ cuối thu, đèo dốc chông chênh bên dưới vực sâu là dòng Nho Quế như sợi chỉ vắt ngang qua khe đá, nơi có Cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang đánh dấu chủ quyền biên giới,…
Để có được những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp như thế, Hà Giang đã phải trải qua bao khó khăn gian khổ, bao lớp người đã nằm xuống để gìn giữ vùng đất nơi biên cương, mưu cầu cuộc sống hạnh phúc cho thế hệ tương lai, mang đến cho chúng ta một Hà Giang xinh đẹp hơn, rạng rỡ hơn với sức sống mãnh liệt như những đóa hoa nở trên đá.
“Sống trên đá, chết nằm trong đá”
Đây giống như lời tuyên ngôn của những con người đã ngã xuống vì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc. Để minh chứng hùng hồn cho điều này chính là “Di tích cao điểm 468” tại thôn Nâm Ngặt, Vị Xuyên, là chiến trường khốc liệt nhất trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Với vị trí hiểm trở, núi rừng dày đặc, Vị Xuyên trở thành phòng tuyến biên giới mũi nhọn của Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay) và liên tục hứng chịu những trận tấn công, càn quét của quân địch nhằm xóa bỏ phòng tuyến quan trọng này. Quân dân Vị Xuyên và toàn tỉnh Hà Tuyên đã kiên cường chiến đấu, giai đoạn ác liệt nhất từ năm 1979 – 1989, đã có 4.000 chiến sĩ hy sinh, 9.000 thương bệnh binh. Đến nay, vẫn còn hơn 2.000 chiến sĩ chưa tìm thấy hài cốt để quy tập về nghĩa trang Vị Xuyên và nhiều ngôi mộ vô danh tại đây. Tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá của các chiến sĩ và sự đồng lòng của quân dân ta đã mang đến cho vùng đất Hà Giang một cuộc sống mới và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp bước tinh thần cao đẹp của cha ông, những người con của vùng đất này không ngừng phấn đấu vươn lên dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thiên nhiên khắc nghiệt: mùa đông rét buốt, mùa hè nắng cháy da, bốn bề là đá núi cheo leo.
Một cuộc sống vươn lên từ đá, đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên những triền đá cheo leo, xen kẽ những mái nhà tranh của đồng bào người Mông, Lô Lô, Dao; Giữa cái khắc nghiệt của mùa Đông thì vẫn thấy những cây ngô, cải dầu vươn mình đón nắng như cùng với đồng bào nơi đây chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt; Hình ảnh con trâu, bò kéo cày đi trước người đồng bào đi theo sau thỉnh thoảng nhấc cày lên để tránh đá rồi bỏ xuống cứ liên tục như thế và những nấm đất hiếm hoi trong hốc đá được họ xới lên để gieo trồng như gieo niềm tin và hy vọng một cuộc sống bật lên giữa đá núi cằn cỗi.
Ngày nay, khi đến Hà Giang, hoa trên đá không chỉ là hình ảnh ví von về những hi sinh mất mát, về cuộc sống khó khăn của đồng bào miền núi mà còn là hình ảnh rất chân thực, sống động về những mùa hoa nở trên đá- hoa tam giác mạch, hoa cải vàng. Tam giác mạch có vòng đời khoảng 1 tháng, lúc mới nở hoa có màu trắng sau chuyển sang phớt hồng, rồi mang một sắc tím rực rỡ, cuối cùng là chuyển thành màu đỏ sậm. Rồi khi Đông về trên những rẻo cao, bạn sẽ ngỡ ngàng trước sắc vàng của hoa cải. Sắc hoa như sưởi ấm cho cái lạnh tê tái vùng cao, sắc hoa đưa bước chân du khách về cuộc sống nhẹ nhàng yên bình bên bếp lửa bập bùng, nghe kể những câu chuyện của đồng bào vùng cao, nhâm nhi ly rượu ngô giữa những cơn gió lạnh đầu đông. Cả cao nguyên đá như bừng sức sống và rạng rỡ hẳn lên bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải vàng trải dài qua những thửa ruộng bậc thang, trên những triền dốc cheo leo. Mùa hoa đã tô điểm cho mảnh đất Hà Giang thêm rực rỡ, che lấp đi những sườn núi chông chênh, những thung lũng gồ ghề. Để rồi đến hẹn lại lên, bước chân du khách háo hức quay về nơi miền đất đá nở hoa.
Hãy một lần đến Hà Giang, để thấy rõ nơi đây không chỉ có bao trùm một màu đen xám của đá tai mèo, đá chồng lên đá, mà trên mảnh đất cao nguyên này đá vẫn nở hoa như sức sống con người mãi sinh sôi và để hiểu thêm về giá trị nhân văn của mảnh đất và con người nơi địa đầu Tổ quốc.