Miền Nam
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang trong 4 ngày 3 đêm
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, nằm ở điểm cực Bắc của đất nước Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 280km. Từ lâu Hà Giang đã là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Hà Giang nổi tiếng là vùng đất cao nguyên đá với những thắng cảnh vô cùng kỳ vĩ, hoang sơ như cao nguyên Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ, Dinh vua Mèo, đèo Mã Pí Lèng, cột cờ Lũng Cú, cùng nhiều ghềnh thác, hang động kỳ thú. Với những vách núi dựng đứng, triền dốc và thung lũng sâu chìm trong mây tỏa hơi lạnh ngắt, những ngôi nhà cổ, những ruộng bậc thang, những cánh đồng hoa ngút ngàn, những chén rượu ngô, những nồi thắng cố thơm nồng mùi thảo dược bên bếp lửa giữa đêm đông giá rét... là những ấn tượng khiến bạn chẳng thể nào quên.
* Một số điểm tham quan Hà Giang trong 4 ngày:
Ngày 1: Hà Nội – Hà Giang
- Làng dân tộc Tày xung quanh thành phố Hà Giang. Nổi bật nhất là ở thôn Hạ Thành, các gia đình đều lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của người Tày, ngoài việc thu hút du khách, nơi đây còn là điểm để bà con người Tày từ nhiều địa phương khác đến tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ngày 2: Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn
- Cổng trời Quản Bạ hay còn gọi là đèo Quản Bạ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng hơn 46 km với độ cao 1.500m so với mực nước biển. Đứng trên cổng trời nhìn xa xa trước mặt là hình ảnh núi đôi Cô Tiên mờ mờ ảo ảo trong sương mù. Đứng ở trên đỉnh ngắm nhìn mây núi sương mù hòa quyện lại với nhau tạo nên một khung cảnh như chốn bồng lai tiên cảnh. Có thể nói đây là một địa điểm tuyệt vời để bạn có thể chiêm ngưỡng ngắm toàn bộ bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
- Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, bạn sẽ có những cảm nhận đặc biệt về vẻ đẹp nhân văn, những nét đặc sắc trong văn hóa vật thể và phi vật thể, vẫn được bảo tồn lưu giữ gần như nguyên vẹn ở nơi đây. Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
- Dinh thự vua Mèo hay còn gọi là Dinh thự họ Vương, tọa lạc dưới chân một thung lũng nhỏ thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Dinh thự được khởi công vào năm 1898 và hoàn thành vào 9 năm sau đó, tức 1907. Toàn bộ khuôn viên có diện tích gần 3.000 m2, nằm trên một khối đất cao ráo, xung quanh lại được bao phủ bởi các dãy núi vòng cung. Trải qua trăm năm tuổi và biết bao biến cố, thăng trầm mà dinh thự cổ này vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi cái khắc nghiệt của địa hình và khí hậu miền núi phía Bắc. Với tổng chi phí xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay, đây là nơi thu hút nhiều du khách ghé đến khi tới Hà Giang.
- Cột cờ Lũng Cú là di tích lịch sử cấp quốc gia và cũng là điểm đến nổi tiếng thu hút du khách ghé thăm, nằm cách điểm cực Bắc của Việt Nam khoảng 2 km. Đứng trên cột cờ Lũng Cú, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn, bản làng Lô Lô Chải và Thèn Pả, những thửa ruộng bậc thang mênh mông.
Ngày 3: Đồng Văn - Mèo Vạc - Hà Giang
- Phố cổ Đồng Văn: từ đầu thế kỷ 20, phố cổ chỉ là nơi sinh sống của một vài hộ gia đình người Mông, Tày và Hoa. Sau này, phổ cổ trở nên nhộn nhịp hơn hẳn khi những người của dân tộc Kinh, Dao, Nùng ở nơi khác đổ về đây xây nhà và lập nghiệp. Phổ cổ cũng chỉ vỏn vẹn gần 40 ngôi nhà được xếp ngăn nắp với nhau, và điều đặc biệt hơn nữa là chúng đều có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Đến với phổ cổ Đồng Văn, bạn có thể ghé các quán ngồi nhâm nhi thưởng thức chút cà phê của vùng cao nguyên, cảm nhận nét đẹp cổ kính. Đặc biệt, nếu đến phố cổ Đồng Văn vào 3 ngày 14,15,16 âm lịch (tổ chức 3 tháng 1 lần) bạn sẽ được thưởng thức các hoạt động diễn văn nghệ, trưng bày các trang phục thổ cẩm và điểm nhấn chính là những khu ẩm thực độc đáo, nơi bạn có thể đến để ăn thắng cố, uống rượu ngô...
- Đèo Mã Pí Lèng là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Năm 2009, Mã Pí Lèng được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia, bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam và hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
- Làng dệt lanh truyền thống của người dân tộc Mông ở Lùng Tám: Lùng Tám là một xã nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nghề dệt vải lanh truyền thống có từ lâu và được truyền qua nhiều thế hệ. Bất kể người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng biết xe lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho cuộc sống gia đình hàng ngày.
Ngày 4: Hà Giang - Hà Nội
- Tham quan mua sắm tại chợ thành phố.
- Dừng chân ăn cơm trưa tại Tuyên Quang, quay trở lại Hà Nội, kết thúc chuyến đi.
* Về phương tiện di chuyển: Bạn có thể tự di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Từ Hà Nội đi lên thành phố Hà Giang mất khoảng 8-9 tiếng
* Đi theo tour du lịch: du khách không phải lo đi lại hay ăn ở, có hướng dẫn viên đi cùng hướng dẫn và thuyết minh để hiểu thêm về cảnh, điểm. Đây là phương án hợp lý cho cả khách đi lẻ hay đi nhóm đông người.
* Một số homestay nổi tiếng được nhiều du khách lựa chọn:
- TP. Hà Giang: homestay Làng Tày, Hà Giang Wings Bungalow...
- Yên Minh: homestay Bống Bang, Du Già...
- Mèo Vạc: homestay Auberge de MeoVac, Chúng Pủa, Mèo Vạc Clay House...
- Đồng Văn: homestay Lô Lô Chải, Bụi...
* Thời điểm để đi du lịch Hà Giang: bạn có thể lựa chọn nhiều thời điểm để đi du lịch Hà Giang. Với mỗi thời điểm Hà Giang lại khoác cho mình một màu áo đặc trưng riêng. Dưới đây là một số thời điểm đẹp nhất:
- Tháng 1, 2, 3: Mùa xuân đến, khắp nơi từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc nơi nơi toàn là hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng khoe sắc cùng với nền đá đen của cao nguyên đá, với những nếp nhà trình tường. Đi du lịch Hà Giang vào mùa xuân bạn sẽ được tham gia vào rất nhiều những lễ hội truyền thống của người dân các dân tộc nơi đây như lễ mừng thọ của người Tày, lễ hội chọi trâu, lễ hội đấu ngựa, lễ hội Lồng Tồng… Những lễ hội này là những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của riêng Hà Giang.
- Tháng 4: chợ tình Khâu Vai là một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Người ta tìm đến Khâu Vai để gặp lại người yêu cũ, cùng uống rượu và tâm sự, ôn lại những tình cảm đã xa. Đến đây bạn sẽ được hòa vào không khí đông đúc, vui vẻ của các nam nữ thanh niên Hà Giang. Hình ảnh những chàng trai, cô gái xúng xính trong những bộ quần áo dân tộc đẹp mắt kề bên nhau trò chuyện, đưa tình khó nơi nào có được.
- Tháng 5, 6: thời điểm này bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang đang hối hả bắt tay vào cày ải, bắt đầu dẫn nước về ruộng lúa để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh Hà Giang mùa nước đổ, đẹp mơ màng như một bức tranh sơn dầu khổng lồ.
- Tháng 8, 9, 10: Hà Giang ngập tràn trong màu vàng rực của những cánh đồng lúa chín. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả tầng tầng lớp lớp xô nhau dưới những cơn gió heo may tựa như những dải lụa vàng trải dài đến tận cuối chân trời. Sẽ thật tiếc nuối nếu như không đến được Hà Giang vào thời điểm này.
- Tháng 11: mùa hoa tam giác mạch- loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá Hà Giang với những bông hoa nhỏ li ti phơn phớt tím hồng hút hồn những người yêu hoa và mê chụp ảnh.
- Tháng 12: trên địa bàn huyện Mèo Vạc, nhiều địa điểm có tuyết rơi trắng trời vào cuối tháng 12, du khách hiếu kỳ từ nhiều nơi đã may mắn được thưởng thức khung cảnh có một không hai trong năm.