Tây Nguyên
Loạt món ngon nhất định phải thử khi du khách đến Hà Giang
Chuyến du lịch Hà Giang chỉ trọn vẹn nếu bạn đã được thưởng thức đặc sản và nếm thử những món ngon nơi đây. Hãy cùng chúng tôi điểm qua loạt món ngon Hà Giang nhất định du khách phải thử sau đây:
1. Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu là món ăn nổi tiếng phải thử khi đến Hà Giang. Cháo ấu tẩu được được làm từ nguyên liệu chính là củ ấu tẩu - một loại củ có độc tính và khó nấu nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, cháo ấu tẩu thành món ăn ngon và tốt cho sức khỏe.
Cách nấu cháo ấu tẩu rất công phu. Trước khi nấu cháo, củ ấu tẩu phải được ngâm trong nước gạo, sau đó ninh cho đến lúc bở tơi, rồi mới đem tán nhuyễn, nấu cùng với gạo tẻ, nếp cái, chân giò. Củ ấu tẩu có độc tính cao nên phải nấu lâu để loại bỏ hết độc tố. Một nồi cháo to chỉ dùng vài củ ấu tẩu là đủ.
Cháo ấu tẩu thường ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu, hay măng chua. Cháo có vị bùi, béo và vị đắng đặc trưng, lạ miệng.Du khách sau khi vượt qua một chặng đường dài để đến với Hà Giang, thưởng thức một bát cháo ấu tẩu sẽ thấy cơ thể sảng khoái và khỏe khoắn hơn.
Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Ăn cháo vào buổi tối sẽ có tác dụng rất tốt cho giấc ngủ. Món ăn cũng giúp thư giãn gân cốt, giảm đau xương nhức cơ, hồi phục sinh lực.
2. Phở chua Hà Giang
Phở chua Hà Giang có nguồn gốc từ Trung Quốc sau đó được du nhập vào các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang. Trước đây, phở chua chỉ được dùng trong đám cỗ nhưng hiện nay đã trở thành một món điểm tâm được yêu thích tại Hà Giang.
Nguyên liệu của món phở chua gồm: thịt heo rán, vịt quay, lạp xưởng. Những loại rau ăn kèm gồm: rau húng, đu đủ và dưa leo. Điểm đặc biệt của món phở chua là sử dụng bánh phở tươi được tráng mềm chứ không dùng phở khô. Nước dùng món phở chua được tạo nên bởi giấm hòa với đường rồi cho thêm với bột sắn và nêm thêm chút gia vị. Tất cả nước dùng sẽ được nấu sôi tạo nên một hương vị chua ngọt đặc trưng rất thơm ngon, lạ miệng
Bát phở chua được trình bày trên đĩa cùng lát thịt lợn, lạp xưởng và thịt vịt quay vàng rộm ăn kèm nước dùng chua ngọt là một ngon không thể bỏ lỡ khi đến Hà Giang.
3. Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn có ở nhiều nhiều địa phương. Nhưng tại Hà Giang, món bánh cuốn trứng lại mang một vị đặc trưng riêng.
Đây là món ăn cần sự kiên nhẫn, bởi khi thực khách đến thì chủ quán mới bắt đầu tráng bánh. Bột bánh cuốn được làm từ gạo tẻ ngâm mềm. Khi chế biến, bột bánh sẽ được tráng mỏng rồi đậy vung. Sau vài giây bánh chín, một quả trứng tươi sẽ nhanh chóng được đập vào dàn đều lên bánh rồi tiếp tục đậy vung. Khi bánh và trứng chín đều thì cho nhân mộc nhĩ thịt vào cuốn lại thật khéo léo và cho ra đĩa. Bánh cuốn trứng được rắc thêm hành phi vàng giòn lên bánh ăn kèm canh xương. Điểm đặc biệt của bánh cuốn trứng Hà Giang là không ăn kèm nước mắm mà ăn cùng bát nước canh xương nóng hổi. Nước canh xương được nấu từ xương và tủy lợn đen Hà Giang. Xương lợn được chần qua nước sôi, rửa qua nước từ nhiều lần cho thật sạch mùi hôi, sau đó xương được xào lăn qua nước muối rồi ninh kỹ.
Thưởng thức bánh cuốn trứng Hà Giang, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của trứng lòng đào, vị xốp đặc trưng của lòng trắng trứng hòa quyện trong vỏ bánh cùng vị ngọt tự nhiên đậm đà của nước canh xương.
4. Thắng cố
Thắng cố là món ăn dân dã, truyền thống lâu đời của người Mông và là món đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến Hà Giang.
Theo tiếng Mông, thắng cố nghĩa là canh xương. Cách nấu truyền thống của món ăn này là sử dụng xương, thịt, nội tạng ngựa để làm nguyên liệu chính. Ngày nay, đồng bào Mông sử dụng cả thịt trâu, bò và lợn để nấu thắng cố. Thịt và nội tạng được rửa sạch, ướp gia vị rồi cho vào xào đến khi miếng thịt se lại thì đổ nước vào. Thịt và nước được ninh trên chảo trong nhiều giờ đến khi sôi sùng sục. Trong khi ninh, bọt sẽ được vớt hết để nước canh thật trong. Trước khi ăn thì cho thêm tiết được luộc đã thái thành miếng vuông vào. Người H’Mông ở Hà Giang nấu thắng cố bằng những chiếc chảo đại, chứa được phần ăn cho vài chục người. Chảo nấu thắng cố phải to và là chảo cũ, không dùng chảo mới. Họ quan niệm thắng cố là món ăn dành cho những cuộc vui, tụ tập đông đủ họ hàng, bạn bè, thế nên khi nấu thắng cố phải quây quần, phải đông vui, mọi người cùng làm cùng ăn mới ý nghĩa. Thắng cố có vị ngai ngái khá lạ với người dân miền xuôi, nhiều du khách cảm thấy khó ăn nhưng một khi đã nếm thử chắc hẳn sẽ cảm thấy vị ngon rất đặc trưng và thú vị.
5. Rượu ngô
Rượu ngô dùng kèm thắng cố là nét đặc sắc của ẩm thực Hà Giang. Ngô thu hoạch về được nấu chín, ủ men lá và đem chưng cất khoảng 6 giờ để có có được rượu thơm nồng và ngọt dịu. Rượu ngô Hà Giang đặc biệt so với rượu ngô ở nơi khác là ở men lá. Men được tạo thành từ 30 loại lá. Có những loại lá phải leo rất cao trên núi mới lấy được.
Hiện nay trên thị trường xuất hiện những loại rượu ngô có màu vàng óng hoặc tím thẫm khá đẹp mắt. Tuy nhiên, người dân, rượu truyền thống chỉ có một màu trắng đục đặc trưng.
6. Bánh tam giác mạch
Những cánh đồng hoa tam giác mạch phớt hồng là điểm thu hút khách du lịch khi đến Hà Giang. Đây cũng là nguyên liệu chính để chế biến món bánh tam giác mạch, đặc sản Hà Giang.
Sau mỗi mùa hoa, người dân ở đây lại thu hoạch hạt tam giác mạch để phơi khô và xay nhỏ thành bột làm bánh. Loại hạt này rất nhỏ nhưng có giá trị dinh dưỡng cao. Hạt tam giác mạch sau khi phơi khô đủ độ sẽ được mang đi xay. Công đoạn xay bột phải thật cẩn thận để bột mịn đều, không còn lợn cợn. Bột mịn sau khi xay sẽ được nhào với nước rồi đúc thành những miếng bánh tròn dẹt, đẹp mắt. Bánh sẽ được hấp chín trước rồi mới nướng trên than hồng cho nóng và thơm. Bánh tam giác mạch có vị bùi béo, lớp bánh mềm xốp rất thơm ngon.
7. Mèn mén
Mèn mén từ là món đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của người Mông và món đặc sản tại Hà Giang. Người Mông có quan niệm: Con gái Mông thì phải biết thêu thùa, biết thương chồng con, chăm lo cho bố mẹ và đặc biệt phải biết nấu mèn mén.
Mèn mén là món ăn được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương là món ăn hàng ngày của người Mông. Ngô được tách hạt và loại bỏ những hạt sâu, mốc. Sau đó, ngô hạt sẽ được mang đi xay. Người Mông vẫn sử dụng những cối xay đá truyền thống để làm bột nên công đoạn này khá vất vả. Bột ngô sau khi xay sẽ được cho vào nia và trộn cùng một chút nước rồi mang đi hấp. Lượng nước được tính toán cẩn thận để bột không quá khô hay quá nhiều nước. Nồi hấp là một chiếc chảo lớn chứa nước, ở giữa đặt một chõ cao. Bột ngô sau khi đảo với nước sẽ được đặt trong chiếc chõ này. Mèn mén sẽ được hấp hai lần. Lần đầu khi bột ngô vừa chín hẳn, người nấu sẽ thêm vào một lượng nước vừa đủ và đảo đều tay để bột không bị vón. Khi thấy bột tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ hấp lần hai đến khi chín.
Món mèn mén trộn cơm được rất nhiều người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm. Tại các phiên chợ, món này còn được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở hay mì. Có dịp đến Hà Giang, du khách đừng quên thưởng thức món ăn này.
8. Rêu nướng
Rêu nướng, đặc sản nổi tiếng của dân tộc Tày tại Hà Giang. Đây là một món ăn thú vị nên nếm thử khi đến du lịch Hà Giang.
Rêu được dùng để chế biến phải là loại rêu đá, có màu xanh thẫm, sợi mỏng thường mọc thành bãi rêu lớn dọc theo các con suối. Rêu tươi sẽ được vò và rửa thật kỹ để sạch hết nhớt. Sau đó, rêu được xé tơi ra và đem tẩm ướp gia vị. Rêu sau khi ướp sẽ được gói vào lá dong tươi và đem nướng than. Rêu rất dễ cháy nên không nướng trực tiếp trên lửa mà chỉ để gần bếp than, nướng chín một bên mới đổi sang bên còn lại.
Rêu nướng khi chín vẫn giữ nguyên màu xanh thẫm, mềm mịn, có vị mặn mặn và thơm mùi đặc trưng của các loại gia vị.
9. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái tại Hà Giang. Những chú trâu vùng cao được chăn thả theo kiểu du mục hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên vì thế thịt săn chắc, vị thơm ngon và đậm đà. Loại thịt dùng để chế biến món thịt trâu gác bếp là phần thịt ở thăn, bắp hay lưng được thái dọc theo thớ thịt. Phần thịt sau khi thái sẽ tẩm ướt các gia vị nhiều giờ, cuối cùng xiên vào que và hong khô trên gác bếp nhiều tháng trời. Thịt gác bếp được hong chín từ khói của than củi trên các bếp lửa.
Thịt trâu gác bếp thành phẩm có bề ngoài ám khói đen thẫm nhưng khi xé ra thì từng thớ thịt bên trong vẫn hồng bắt mắt, vị ngọt đậm đà của thịt xen lẫn vị thơm nồng của giá vị. Đặc biệt, thịt trâu gác bếp đúng chuẩn vẫn còn nguyên mùi khói bếp, điều tạo nên sự đặc trưng của món thịt trâu gác bếp vùng cao.
10. Thắng dền
Tên gọi nghe thoáng qua tương tự thắng cố nhưng đây là một món ăn khác hoàn toàn. Đây là một món ngọt, một đặc sản khác của Hà Giang.
Thắng dền là một món bánh làm từ gạo nếp nương, rất thơm và dẻo. Gạo nếp nương được vo sạch sau đó ngâm qua đêm rồi đem xay thành bột nước. Bột được cho vào túi vải rồi treo lên cao cho ráo nước. Khi bột đặc mịn, không dính tay thì đem nặn thành bánh. Thắng dền có thể làm chay có thêm nhân đậu xanh, đậu đỏ. Mỗi chiếc bánh thắng dền có kích thước bằng đầu ngón tay cái, tròn xoe và đều nhau. Thắng dền sẽ được luộc trong nước, đến khi nổi lên là chín. Viên thắng dền được vớt ra bát ăn kèm nước dùng. Nước dùng của thắng dền được nấu từ nước đường, nước dừa và gừng tươi, thêm chút lạc và vừng rang có vị ngọt thanh, thơm nồng vị gừng ấm nóng.
Thắng dền được xem là món ăn vặt hấp dẫn, ấm áp trong những ngày đông lạnh giá của vùng cao.